DN thống nhất nâng phí bảo hiểm: Chỉ vi phạm về mặt hình thức?

(ĐTCK) 16 công ty bảo hiểm gồm nhiều "đại gia" trong ngành như Bảo Việt, Bảo hiểm Dầu khí, Bảo Minh… đã cùng ký một biên bản thỏa thuận nâng mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn đối với ôtô. Việc làm này, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) là vi phạm Luật Cạnh tranh và cơ quan này đang tiến hành điều tra, làm rõ. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về vấn đề này.

Cơ sở nào để các DN thống nhất tăng phí, thưa ông?

Mấy năm vừa qua, do cạnh tranh khốc liệt, các DN liên tục hạ phí bảo hiểm tiêu chuẩn đối với ôtô. Nếu tiếp tục tái diễn tình trạng này, có DN sẽ không đủ quỹ bồi thường thiệt hại, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của DN bảo hiểm. Do đó, vừa qua các DN đã ngồi lại với nhau để thống nhất không được hạ phí và thu ở mức 1,56%.

Nhưng việc định ra một mức phí, sau đó cùng ký biên bản có tính chất liên kết, hình thành độc quyền lại là dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?

Về mặt bản chất là không vi phạm, bởi việc hợp tác vì lợi ích, vì sự cần thiết của ngành được miễn trừ theo Điều 10 Luật Cạnh tranh. Mặt khác, theo Điều 20 Nghị định 45 hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, phí bảo hiểm được đưa ra dựa trên cơ sở xác suất thống kê của toàn thị trường bảo hiểm, chứ không phải cá biệt DN nào. Có thể có DN năm nay bồi thường ít, nhưng năm sau sẽ bồi thường tăng. Vì thế, việc các DN thống nhất đưa ra mức phí là đúng quy định. Hơn nữa, mức phí 1,56% các DN đưa ra vẫn thấp hơn mức 1,8% mà Bộ Tài chính cho phép.

Nhưng rõ ràng các DN lớn mà bắt tay nhau sẽ khiến các DN nhỏ khó có "đất sống", thưa ông?

Bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Một DN nhỏ vừa ra đời có thể ngang ngửa với DN khác. Vì kinh doanh bảo hiểm là bán lời cam kết, đưa ra lời hứa về bồi thường như thế nào và đưa ra biểu phí. Do đó, nhiều khi DN nhỏ lại là "ông" phá giá thị trường nhiều nhất, hạ phí một nửa so với mặt bằng chung và thu hút hết khách hàng. Điều này rất nguy hiểm, vì vấn đề nằm ở chỗ DN có đảm bảo khả năng thanh toán, bồi thường hay không. Trong trường hợp hạ phí quá thấp sẽ dẫn đến không đảm bảo khả năng thanh toán và điều này bị Bộ Tài chính nghiêm cấm. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân về chậm giải quyết bồi thường, khiến khiếu kiện về bồi thường nhiều chính là không đủ quỹ bồi thường, hay nói một cách khác là hậu quả của hạ phí bảo hiểm.

Nhiều người cứ thấy phí thấp thì mua, mà không để ý đến dịch vụ các DN đưa ra. Trong đợt lũ lụt vừa qua tại Hà Nội, những DN nào giải quyết tốt nhất thiệt hại cho khách hàng, thậm chí thanh toán tiền kéo xe, hoặc có DN cử xe đến kéo mới là cạnh tranh lành mạnh.

Tất nhiên, việc hạ phí là tốt cho khách hàng. Ví dụ, phí bảo hiểm tổn thất toàn thị trường là 1,56%, nhưng do tiết kiệm chi phí quản lý có thể đưa xuống 1,4%, còn đưa ra mức phí 1,2% hoặc 1,1% là không không hợp lý, vì theo tính toán, nếu rủi ro xảy ra sẽ không đủ bù đắp.

Qua vụ việc này, kinh nghiệm rút ra là gì, thưa ông ?

Mỗi khi làm, chúng tôi sẽ phải tham khảo ý kiến của Cục Quản lý cạnh tranh, vì có những xung đột giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Cạnh tranh. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì được thống nhất lấy một mức phí, nhưng Luật Cạnh tranh lại cấm định ra mức phí, công thức tính. Một bên cấm DN có thị phần lớn hoặc nhóm DN thống lĩnh thị trường hợp tác định ra giá, nhưng một bên lại cho phép nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh.

Sắp tới sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, chúng tôi sẽ kiến nghị, định ra một biểu phí chung cùng với bộ quy tắc điều khoản bảo hiểm trên toàn quốc. Điều này nhiều nước tiên tiến đã làm. Ví dụ, bảo hiểm xe ôtô do đại lý bảo hiểm bán là chính nên nếu không quy định thì họ có thể đưa ra các điều khoản mà không thực hiện được. Do đó, cần phải có văn bản quy định cụ thể, thống nhất về điều khoản bảo hiểm, chứ không thể căn cứ vào giao kết của đại lý bán bảo hiểm. Một số nước cho các DN tự do đưa ra mức phí, nhưng đấy là khi thị trường đã lập lại trật tự, người dân hiểu biết về bảo hiểm. Còn lúc người dân ít quan tâm đến bảo hiểm, khâu bán bảo hiểm còn bất cập như ở Việt Nam thì cần có quy định chung bắt buộc.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục