Đề xuất tăng vốn tương ứng với rủi ro bảo hiểm

(ĐTCK) Tại một hội thảo về hoàn thiện khung khổ pháp lý của hoạt động kinh doanh bảo hiểm tổ chức mới đây, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, cần sửa đổi, bổ sung quy định về vốn của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm cần được tính toán tương ứng với rủi ro của doanh nghiệp.
Việc quy định chặt chẽ hơn về vốn pháp định để đảm bảo an toàn hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm là cần thiết Việc quy định chặt chẽ hơn về vốn pháp định để đảm bảo an toàn hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm là cần thiết

Đề xuất trên thực ra không mới, đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm đề cập từ vài năm gần đây nhằm tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng lần này gây chú ý hơn trong bối cảnh Bộ Tài chính đang hướng tới sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2021.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 10, Nghị định 73/2016/NĐ-CP (hướng dẫn thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm), doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe phải có vốn pháp định 600 tỷ đồng.

Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí phải có vốn pháp định 800 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí phải có vốn pháp định là 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù quy định hiện hành đã nâng mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lên gấp hơn 4 lần so với quy định cũ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (140 tỷ đồng), nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, mức này vẫn khá thấp khi so sánh với các nước trên thế giới.

PGS.TS Hồ Thủy Tiên, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Tài chính marketing cho biết, ở Trung Quốc, quy định về vốn pháp định, áp dụng chung cho các công ty bảo hiểm, không phân biệt là doanh nghiệp hoạt động trong khối phi nhân thọ hay nhân thọ khi thành lập là không được thấp hơn 200 triệu Nhân dân tệ (tương đương 700 tỷ đồng). Đồng thời, tùy theo mức độ rủi ro của nghiệp vụ bảo hiểm, mức vốn tối thiểu yêu cầu sẽ tăng tương ứng.

“Với 600 tỷ đồng, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang kinh doanh tại Việt Nam được khai thác 5 loại sản phẩm, bao gồm bảo hiểm trọn đời, sinh kỳ, tử kỳ, hỗn hợp và trả tiền định kỳ. Trong khi thực tế hiện nay, trong 5 sản phẩm trên, các doanh nghiệp chủ yếu triển khai sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, còn bảo hiểm sinh kỳ, trọn đời và trả tiền định kỳ rất ít. Như vậy, với mức vốn pháp định 600 tỷ đồng chỉ để kinh doanh bảo hiểm hỗn hợp thì hơi thừa, còn nếu triển khai cả 5 sản phẩm thì có vẻ chưa tương xứng với rủi ro của công ty bảo hiểm”, bà Tiên nhận định.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên thị trường Việt Nam liên tục tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, triển khai sản phẩm mới nhằm khai thác tiềm năng của thị trường.

Theo tổng hợp của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện có 16/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Thậm chí, các doanh nghiệp trong Top đầu về quy mô vốn vượt quy định về vốn thực góp tối thiểu 600 tỷ đồng tới hàng chục lần.

Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Manulife Việt Nam được Bộ Tài chính cấp phép tăng vốn điều lệ từ 7.765 tỷ đồng lên 9.695 tỷ đồng. Manulife hiện là công ty bảo hiểm nhân thọ có số vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 9/5/2018, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam được cấp phép tăng vốn điều lệ lên 5.947,5 tỷ đồng.

Hanwha Life Việt Nam cũng vừa thực hiện thương vụ tăng vốn khủng từ mức 1.900 tỷ đồng lên gần 4.900 tỷ đồng, vượt qua Prudential Việt Nam và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn thứ ba thị trường.

Ngoài 3 doanh nghiệp Top đầu thì Prudential, AIA, Generali, Cathay đều góp mặt trong danh sách doanh nghiệp bảo hiểm có vốn lớn. Ngay cả các “tân binh” cũng đạt số vốn lớn vượt xa so với quy định hiện hành như MB Ageas Life (1.100 tỷ đồng), BIDV Metlife (1.000 tỷ đồng), Sun Life (1.870 tỷ đồng).

Hiện trên thị trường chỉ còn hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có mức vốn điều lệ quanh ngưỡng 600 tỷ đồng là Công ty Bảo hiểm Vietcombank - VCLI (600 tỷ đồng) và Phú Hưng (683 tỷ đồng).

Dù đa số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tăng vốn tích cực trong thời gian qua, nhưng theo giới chuyên gia, việc đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về tương quan giữa vốn điều lệ và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, từ đó nâng quy định về vốn pháp định, tạo mặt bằng an toàn vốn tối thiểu để các doanh nghiệp top dưới tuân thủ vẫn là điều cần thiết.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục