Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Một trong những thách thức lớn mà thị trường bảo hiểm Việt Nam đang phải đối mặt là các giải pháp về công nghệ thông tin (CNTT) ứng dụng trong thực tiễn hoạt động kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ngành bảo hiểm

Đây cũng là vấn đề được các lãnh đạo đến từ khối cơ quan nhà nước, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm, cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chia sẻ, bàn bạc tại Hội thảo thường niên Vietnam Finance 2016 diễn ra cuối tuần qua.

Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng nhất

Mặc dù ghi nhận những phát triển tích cực của thị trường bảo hiểm trong việc ứng dụng CNTT hiện đại để phục vụ cho hoạt động và công tác quản lý, giám sát thị trường, nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nhận định, so với các nước trong khu vực, năng lực cạnh tranh của DNBH Việt Nam cần phải tiếp tục được nâng cao.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với DNBH hiện chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn; tính kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các DNBH còn hạn chế.

Theo ông Chí, để phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNBH, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát hiệu quả của nhà nước đối với thị trường bảo hiểm, đảm bảo môi trường phát triển lành mạnh là ưu tiên chiến lược của Chính phủ.

Theo đó, cần xây dựng hệ thống phân tích tự động hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá và cảnh bảo sớm nguy cơ của DNBH; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, giám sát.

Đồng quan điểm, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định việc ứng dụng CNTT của các DNBH còn chưa đồng nhất. Trong khi các DNBH nước ngoài đã ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh và công tác quản trị doanh nghiệp thì tại Việt Nam, hệ thống công nghệ thông tin của các DNBH trong nước nhìn chung chưa đáp ứng được với tiêu chuẩn quốc tế. 

Cải thiện cách nào?

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định 193/2012/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ), ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm và giai đoạn 2016 - 2020 được xem là giai đoạn trọng tâm trong việc hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm.

Theo đó, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng doanh thu ngành đạt 3% - 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần; tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành bảo hiểm đến năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Thị trường cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, giám sát bảo hiểm là thực sự cần thiết, cấp bách và cần được đẩy mạnh. Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hạ tầng kỹ thuật CNTT ngành tài chính trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được nâng cấp, phát triển, chuẩn hóa, áp dụng công nghệ mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống ứng dụng của ngành.

Cũng theo ông Mai, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý chuyên môn theo hướng đồng bộ, thống nhất. Riêng đối với lĩnh vực bảo hiểm, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ xây dựng và triển khai hệ thống CNTT kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm với các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Đồng thời sẽ xây dựng kho dữ liệu bảo hiểm tập trung có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời, toàn diện phục vụ cho việc phân tích, dự báo, tính phí bảo hiểm; xây dựng mô hình phân tích, dự báo cho các chỉ tiêu quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

“Hệ thống ứng dụng CNTT sẽ phát triển trên nền tảng cơ sở dữ liệu hiện đại, có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời, chính xác, đáp ứng không chỉ đối với cơ quan quản lý trong quản lý, giám sát mà còn giúp DNBH trong quản trị doanh nghiệp và giúp người dân tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm nhanh nhất”, ông Mai cho hay.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục