Đại lý bảo hiểm “bắt cá hai tay”

(ĐTCK) Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đang có tình trạng một đại lý bắt tay với 2 - 3 DN bảo hiểm để bán sản phẩm bảo hiểm cùng một lúc, khi chưa xin phép DN ban đầu.
Đại lý bảo hiểm “bắt cá hai tay”

Lợi khách hàng, thiệt DN

Đại lý “bắt cá hai tay” là phản ánh chung của nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ với ĐTCK.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, một đại lý bảo hiểm chỉ được phép phối hợp với một DN bảo hiểm để bán sản phẩm bảo hiểm và chỉ được phép bắt tay thêm với DN bảo hiểm khác nếu có sự đồng ý của DN mình đang làm đại lý bảo hiểm.

Các DN bảo hiểm cho biết, khi ký kết hợp đồng đại lý, DN đã đưa nội dung nêu trên vào hợp đồng, nhưng sau đó, hiếm khi thấy các đại lý xin phép hay thông báo về việc đầu quan cho DN bảo hiểm thứ hai. Dù biết có thêm “đối thủ”, nhưng DN cũng không thể ngăn cản, nhất là khi luật không quy định rõ việc xin phép kể trên phải bằng văn bản hay chỉ cần bằng lời nói.

Ở phương thức bán bảo hiểm trực tuyến, một số đơn vị xưng danh là công ty tư vấn bảo hiểm độc lập, chủ các trang web chuyên về bảo hiểm như baohiemvietlife.com, ebaohiem.com, baohiem24h.net..., rao bán cùng lúc sản phẩm bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm ô tô của nhiều DN khác nhau.

Chẳng hạn, trên website baohiemvietlife.com, Công ty Bảo hiểm Vietlife rao bán sản phẩm bảo hiểm ô tô của 5 DN là PVI, Bảo Việt, PTI, Liberty, Fubon và rao bán sản phẩm bảo hiểm con người của các DN như Bảo Việt, Liberty...

Công ty TNHH Ginet thông qua website baohiem24g.net rao bán sản phẩm bảo hiểm ô tô của 3 DN là Bảo Việt, PJICO, PTI và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của 5 DN là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO và AON (hợp tác với Bảo Việt).

Tương tự, trang web ebaohiem.com cũng cung cấp sản phẩm bảo hiểm của nhiều DN, nhưng kín kẽ hơn khi không đăng tải sản phẩm cụ thể, chỉ khi khách hàng điền mẫu yêu cầu thì mới giới thiệu sản phẩm của nhiều DN để khách hàng lựa chọn.

Không thể phủ nhận, việc đại lý bán cùng một lúc sản phẩm bảo hiểm của nhiều DN đã làm gia tăng sự lựa chọn sản phẩm cho khách hàng, giúp khách hàng thuận lợi trong việc so sánh chi phí, quyền lợi… giữa các sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, từ góc độ DN bảo hiểm, tình trạng “bắt cá hai tay” nêu trên có ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của họ.

Đại diện PVI cho rằng, một đại lý chỉ nên phục vụ quyền lợi cho một DN bảo hiểm, nếu là hai DN thì phải hoạt động trong hai mảng riêng biệt là phi nhân thọ và nhân thọ. Làm đại lý cho nhiều DN bảo hiểm cùng một lúc có thể gây xung đột lợi ích.

Về nguy cơ này, đại diện Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) nhận định, vì chạy theo hoa hồng, các đại lý có thể hướng khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm của DN có hoa hồng cao hơn, bỏ qua DN bảo hiểm có hoa hồng thấp, dù đem lại quyền lợi và chất lượng bồi thường tốt hơn.

Về tính pháp lý của trang web bán bảo hiểm trực tuyến, đại diện Ginet lập luận, dù cùng rao bán sản phẩm cho nhiều DN, nhưng họ hoạt động dưới hình thức công ty tư vấn bảo hiểm độc lập, na ná mô hình công ty môi giới, chứ không phải đại lý thông thường. Trong khi đó, mô hình này hiện chưa được quy định rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, đơn cử như việc có được phép hợp tác với nhiều DN cùng một lúc hay không, nên không thể nói là trái luật. Chưa kể, với Ginet, sau khi có khách hàng, Ginet mới kết nối với DN bảo hiểm để triển khai việc bán sản phẩm.

Đáng chú ý là có một số đại lý bảo hiểm hoạt động dưới hình thức công ty, nhưng mỗi nhân viên lại ký hợp đồng đại lý với một DN bảo hiểm riêng.

Theo ông Trần Phương Bắc, Công ty Luật hợp danh Luật Việt, nếu đại lý bảo hiểm nhận làm đại lý của DN khác, mà không được sự đồng ý của DN bảo hiểm mà họ đang làm đại lý, thì DN có quyền chấm dứt hợp đồng với đại lý và thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm (AVI) biết. Nếu bị chấm dứt hợp đồng do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và hợp đồng đại lý, thì đại lý đó sẽ bị “tẩy chay” trong 3 năm.

 

Cần quản chặt đại lý

Một số ý kiến cho rằng, so với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, thì việc quản lý đại lý bảo hiểm phi nhân thọ có phần “lỏng” hơn. Các đại lý bảo hiểm nhân thọ đang chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi AVI, không được phép làm đại lý đồng thời cho hai DN bảo hiểm. Vì vậy, pháp luật nên hướng tới việc quản lý đại lý bảo hiểm phi nhân thọ giống như đại lý bảo hiểm nhân thọ và đại lý muốn “bắt cá hai tay” thì phải xin phép bằng văn bản.

Ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc Maketing Công ty Bảo hiểm Liberty cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, đại lý bảo hiểm phi nhân thọ được phân định khá rõ thành hai loại là đại lý độc quyền và đại lý đa ngành. Do đó, theo ông Khánh, Việt Nam cũng nên hướng tới việc phân định này, để các chủ thể lựa chọn hoạt động đại lý theo hướng nào trước khi ký kết hợp đồng với DN.

Còn theo đại diện Ginet, pháp luật cần quy định rõ hơn về mô hình công ty tư vấn bảo hiểm, trong đó có quy định về vốn điều lệ, tỷ lệ hoa hồng…

Đáng chú ý, AVI cho biết, 6 tháng cuối năm, AVI sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phần mềm quản lý đại lý trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, trên cơ sở phần mềm quản lý đại lý bảo hiểm nhân thọ đang vận hành.

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục