Các nhà tái bảo hiểm nâng phí với thị trường Việt Nam

(ĐTCK) Những vụ tổn thất, thảm họa lớn trong năm 2011 đã dẫn tới tỷ lệ tái bảo hiểm bị giảm sút. Ngành bảo hiểm thế giới năm 2012 sẽ đối mặt với 3 trở ngại chính xuất phát từ môi trường kinh doanh.
Các nhà tái bảo hiểm nâng phí với thị trường Việt Nam

Đó là: lãi suất thấp khiến lợi nhuận đầu tư tài chính của ngành giảm sút, khủng hoảng nợ công châu Âu và tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại, đồng thời lạm phát leo thang tại các nước đang phát triển. Theo dự báo, mức tăng trưởng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ toàn thế giới trong năm 2012 chỉ là 1,8%; trong đó, tại các nước phát triển là 0,6%, các nước mới nổi là 8,9%.

Dệt may thuộc ngành nằm trong danh mục rủi ro loại 3 và đang bị nâng phí tái bảo hiểm

 

Kỳ tái tục năm 2012 của thị trường tái bảo hiểm được đánh giá là kỳ tái tục khó khăn nhất từ trước đến nay, đặc biệt là đối với các DN bảo hiểm tại châu Á. Ảnh hưởng từ nhiều rủi ro, thảm họa xảy ra trong năm 2011 tại các quốc gia châu Á, điển hình như thảm họa kép tại Nhật Bản, đã khiến cho hầu hết công ty tái bảo hiểm lớn đều tiến hành các biện pháp thắt chặt nghiệp vụ và giảm hoa hồng để bù đắp các thiệt hại đã phải gánh chịu trong năm 2011 và hy vọng kiểm soát tốt hơn các rủi ro mang tính chất thảm họa trong các năm nghiệp vụ tiếp theo.

Với các đòi hỏi và ràng buộc chặt chẽ của hợp đồng tái bảo hiểm cố định, các công ty bảo hiểm gốc cũng sẽ phải tiến hành đồng loạt các biện pháp quản lý nghiệp vụ để một mặt đáp ứng yêu cầu của các nhà tái bảo hiểm, mặt khác tăng cường hiệu quả cho hoạt động bảo hiểm gốc.  

Ông Trần Trung Tính, Phó tổng giám đốc BIC cho biết, ngay từ cuối năm 2011, những nhà tái bảo hiểm hàng đầu trên thế giới đã gửi thông điệp cảnh báo về việc tăng mức phí tái bảo hiểm và thắt chặt điều kiện bảo hiểm đối với khách hàng tại thị trường Việt Nam áp dụng từ năm 2012. Theo ông Tính, các tổn thất từ thảm họa xảy ra vừa qua và lo ngại ngày một lớn hơn về rủi ro thiên tai ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, chỉ là một trong những lý do khiến các nhà tái bảo hiểm có nhiều thay đổi về chính sách nhận tái. Một nguyên nhân khác là 2 năm qua, tại Việt Nam cũng xảy đã ra nhiều vụ tổn thất tài sản lớn gây ra bởi rủi ro cháy nổ…

Trước đó, trao đổi với ĐTCK về những khó khăn của thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2012, bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA cảnh báo, trong năm nay, toàn bộ các nhà tái bảo hiểm trên thế giới đồng loạt tăng phí tái bảo hiểm đối với thị trường Việt Nam (đặc biệt trong danh mục rủi ro loại 3 - bảo hiểm tài sản kỹ thuật, cháy nổ cho những ngành như giầy da, gỗ, dệt may được đưa vào loại này). Đây là một sự báo động đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Không chỉ tăng phí tái bảo hiểm gấp đôi đối với những nghiệp vụ bảo hiểm được tính toán sẽ có nhiều rủi ro trong năm nay, các nhà tái bảo hiểm còn yêu cầu nhiều điều khoản chặt chẽ, các quy trình đánh giá rủi ro cũng khắt khe hơn, nghiệp vụ bị ảnh hưởng nặng nhất là tài sản kỹ thuật…

“Việc các nhà tái bảo hiểm tăng phí tái buộc các DN bảo hiểm trong nước cũng phải tăng phí bảo hiểm đối với khách hàng và điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN bảo hiểm. Tuy nhiên, khách hàng khi tham gia bảo hiểm cần cân nhắc kỹ khi thấy hãng bảo hiểm định mời chào tham gia bảo hiểm với mức phí quá rẻ, bởi mức phí này có thể không được các nhà tái bảo hiểm có uy tín chấp nhận và do đó sẽ chứa đựng nhiều rủi ro cho chính khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra”, ông Tính lưu ý.

Theo bà Liên, ngành bảo hiểm phi nhân thọ năm nay không chỉ gặp khó khăn đối với việc tái bảo hiểm, mà ngay tại thị trường trong nước, nhiều sản phẩm bảo hiểm cũng phải cạnh tranh gay gắt. Chẳng hạn, trong những sản phẩm truyền thống như bảo hiểm xe cơ giới: phí không tăng, chi phí bán hàng cùng với hoa hồng quá cao, nguyên liệu thay thế, sửa chữa, tiền nhân công… cũng tăng cao, nhân sự khai thác của sản phẩm bảo hiểm này không được đào tạo, không có kỹ năng nghề cũng tác động không nhỏ đến thị trường. Sản phẩm bảo hiểm tàu biển, tài sản kỹ thuật xây dựng thuỷ điện, cầu đường cũng có mức độ rủi ro tương đối cao, trong khi tình trạng cạnh tranh của thị trường rất khốc liệt, khiến chi phí ngoài hoa hồng tăng mạnh so với các năm trước…

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh lạc quan hơn, cũng có ý kiến cho rằng, tình trạng các thảm họa tự nhiên tại châu Á có xu hướng tăng lên sẽ giúp tăng nhận thức của khách hàng về vai trò của bảo hiểm. Do đó, trong năm nay sẽ có sự tăng trưởng mạnh tại các nhóm bảo hiểm như: thương mại, xe cơ giới, sức khỏe và tai nạn con người; cũng như một số nghiệp vụ đặc thù như: kỹ thuật, nông nghiệp và bảo lãnh.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục