Bó tay với trục lợi bảo hiểm sức khỏe

(ĐTCK-online) Theo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, xét theo cơ cấu nghiệp vu, trong 8 tháng đầu năm 2011, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người có tỷ lệ bồi thường đứng thứ hai (51,48%), chỉ xếp sau nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, với tỷ lệ thực bồi thường là 61,41%...
Không chỉ người mua bảo hiểm, cả người bán bảo hiểm cũng tham gia “rút ruột” công ty bảo hiểm Không chỉ người mua bảo hiểm, cả người bán bảo hiểm cũng tham gia “rút ruột” công ty bảo hiểm

Thực tế, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người dù mang lại doanh thu cao (8 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của nghiệp vụ này đứng thứ 3 với tỷ trọng hơn 13%, đạt 1.771 tỷ đồng) nhưng cũng luôn có tỷ lệ bồi thường đứng thứ hạng cao.

 

Muôn hình vạn trạng

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thừa nhận, ở Việt Nam , hiện tượng trục lợi bảo hiểm trong nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn con người ngày càng phổ biến và có tính chất tinh vi hơn. Công tác thống kê hạn chế nên chưa có số liệu chính xác về vấn đề này. Tuy nhiên, có thế thấy, ngày càng xuất hiện nhiều các vụ việc trục lợi bảo hiểm lớn, nghiêm trọng, thậm chí có xu hướng xử lý hình sự, cơ quan công an điều tra phải vào cuộc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trục lợi của nghiệp vụ này, mà điển hình là sự thiếu trung thực của một số khách hàng tham gia bảo hiểm; sự câu kết, móc ngoặc của cán bộ, nhân viên, đại lý bảo hiểm; sự tư lợi của các tổ chức liên quan có điều kiện tham gia vào hồ sơ bảo hiểm và một phần là do một số công ty bảo hiểm còn xem nhẹ việc tuân thủ quy trình quản lý nghiệp vụ khi khai thác nghiệp vụ này.

Theo điều tra của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, nếu người tham gia bảo hiểm đã rắp tâm trục lợi thì có thể có muôn hình vạn trạng kiểu vi phạm, như thông đồng với cơ quan liên quan tham gia đến quy trình chi trả bảo hiểm; tham gia bảo hiểm khi đã xảy ra tai nạn, đang nằm viện hoặc chuẩn bị nằm viện; tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm ở nhiều công ty khác nhau khi đã biết trước rủi ro xảy ra; kê khai không đúng nguyên nhân, mức độ và tình tiết thương tật; thay đổi hoặc hợp lý hóa ngày nằm viện và cả lập hồ sơ giả…

Trong khi đo, một số cán bộ/đại lý bảo hiểm cũng tham gia trục lợi bằng cách đưa những người không đủ tiêu chuẩn về tình trạng sức khỏe tham gia bảo hiểm để được hưởng ưu đãi; ghi lùi ngày tham gia bảo hiểm so với ngày nằm viện hoặc tai nạn thực tế; nội dung khi trên giấy chứng nhận cấp cho khách sai lệch với nội dung ghi trên cuống lưu để hưởng chênh lệch phí; thậm chí, có thể biển thủ cả phí bảo hiểm… Cán bộ bồi thường cũng có đủ cách để "rút ruột" công ty bảo hiểm, như hướng dẫn người được bảo hiểm ghi thêm tình tiết, mức độ thương tật, ốm đau để bồi thường cao hơn mức thực tế; thông đồng với cơ quan liên quan làm giả hồ sơ rút tiền bảo hiểm…

 

Rất khó kiểm soát

Nói về việc trục lợi bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm con người, Giám đốc chi nhánh Nam Định của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn trong nước thừa nhận, việc trục lợi xảy ra "như cơm bữa". Chỉ nói riêng việc triển khai bán sản phẩm này cho giáo viên tại các trường học thì chuyện chi trả tiền bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người cho giáo viên sau mỗi đợt nghỉ hè là gần như 100%. "Các công ty bảo hiểm đều biết có sự trục lợi ở đây, nhưng vì muốn bán bảo hiểm được cho học sinh trường đó mà không bảo hiểm cho giáo viên thì cũng không được. Vẫn phải bán và lấy nguyên tắc số đông bù số ít. Lỗ nghiệp vụ bán cho giáo viên nhưng bù lại được bảo hiểm bán cho học sinh", vị này cho biết. 

Không chỉ có các công ty bảo hiểm phi nhân thọ bị trục lợi trong nghiệp vụ bảo hiểm con người, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn cũng chia sẻ, trục lợi bảo hiểm liên quan đến vấn đề bảo hiểm sức khỏe y tế ngày càng nhiều và các công ty bảo hiểm nhân thọ đang rất đau đầu về vấn nạn này. Mua bảo hiểm là để có được sự an tâm nhưng rất nhiều khách hàng lại chỉ muốn được đền tiền.

"Bảo hiểm nhân thọ cũng đang phải đối mặt với trục lợi bảo hiểm sức khỏe. Nhiều khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe, khi bị ốm bệnh thay vì chỉ phải nằm điều trị có 3 ngày thì bằng mọi cách để được nằm viện tới 10 ngày. Rất khó có thể kiểm soát vấn đề này nếu khách hàng cố tình bắt tay và được sự tiếp tay của các bác sĩ", vị phó tổng giám đốc trên chia sẻ.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục