Bảo hiểm Toàn cầu có nguy cơ mất tiền tỷ

Ngày 8/4, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ kiện đòi tiền gửi của CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) đối với Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy (VFC, thuộc Vinashin).
Bảo hiểm Toàn cầu có nguy cơ mất tiền tỷ

Bảo hiểm Toàn cầu có nguy cơ mất tiền tỷ ảnh 1VFC huy động vốn và cho các công ty thuộc Vinashin vay, nhưng “chết chìm” theo các công ty này

 

Theo đó, vào tháng 6/2010, GIC ký kết 4 hợp đồng tiền gửi với VFC. Tổng số tiền gốc của 4 hợp đồng này là 30 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, thời hạn 1 tháng, nếu GIC không rút gốc trước hạn thì sẽ được hưởng lãi suất thưởng tương đương 1%/năm. Mỗi khi hợp đồng đáo hạn, các bên ký kết thêm phụ lục để gia hạn hiệu lực hợp đồng, đồng thời điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với biến động của thị trường tiền tệ. Việc gửi tiền suôn sẻ, VFC trả lãi đúng hạn cho đến đầu năm 2011 thì lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Ngày 14/2/2011, GIC và VFC ký phụ lục gia hạn hiệu lực hợp đồng tiền gửi thêm 1 tháng. Tuy nhiên, khi hợp đồng đáo hạn vào ngày 14/3/2011, VFC không trả được lãi. VFC không thể thanh toán nợ gốc và lãi kéo dài cho đến 31/12/2011 thì hai bên chốt lại số nợ gốc là 30 tỷ đồng và lãi là 5,29 tỷ đồng, có xác nhận bằng văn bản. Sau đó, VFC tiếp tục không trả được nợ, GIC đã khởi kiện ra tòa.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chấp nhận đơn khởi kiện của GIC, buộc VFC trả cho GIC cả gốc và lãi của 4 hợp đồng tiền gửi là 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 3 tỷ đồng lãi quá hạn mà GIC yêu cầu, tòa án không chấp nhận.

GIC có đơn kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét yêu cầu đòi lãi quá hạn của GIC. Theo đại diện của GIC, hai bên đều có thỏa thuận về lãi trong hạn và lãi quá hạn. Phía VFC đã thừa nhận điều này, bởi vậy cần phải chấp nhận yêu cầu đòi lãi quá hạn, bằng 150% lãi trong hạn.

Trong khi đó, VFC cũng kháng cáo, nhưng chỉ đơn giản là đề nghị tòa án “xem xét”, vì VFC cũng như toàn bộ Tập đoàn Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, nên không thể trả nợ ngay. VFC đề ra lộ trình trả nợ trong vòng 12 tháng, song cũng chỉ có thể thanh toán 30% nợ gốc.

Tại phiên tòa phúc thẩm, GIC không chấp nhận lộ trình trả nợ của VFC, do đó, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, không có cơ sở để xem xét yêu cầu của VFC. Về lãi suất, Hội đồng xét xử cho rằng, mức lãi suất cuối cùng mà hai bên áp dụng là 13,5%/năm, tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động là 14%/năm. Do vậy, lãi suất mà các bên thỏa thuận không vi phạm pháp luật và được chấp nhận, lãi suất quá hạn sẽ được tính bằng 150% lãi trong hạn.

Phiên tòa phúc thẩm kết thúc với bản án buộc VFC phải trả cho GIC 40,6 tỷ đồng cả nợ gốc và lãi. Nợ gốc sẽ tiếp tục bị tính lãi quá hạn cho đến khi toàn bộ khoản tiền gửi nói trên được tất toán, nợ lãi không bị tính lãi quá hạn. Tuy đạt được bản án như mong đợi, nhưng khi nào GIC mới có khả năng thu hồi khoản tiền gửi nói trên vẫn còn là ẩn số. Đại diện VFC chia sẻ, hiện tại, Công ty hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Khi huy động vốn từ các tổ chức khác (như GIC), VFC đã cho các công ty trong Vinashin vay lại, nhưng hiện nay, do các khách hàng của VFC khó khăn, không thể trả được nợ nên Công ty không có nguồn để thanh toán cho GIC.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục