Bảo hiểm tìm cách ứng phó khủng hoảng

(ĐTCK) Hội nghị Tái bảo hiểm lần thứ V do Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) vừa tổ chức đã chỉ ra nhiều hạn chế của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp để đối phó với khủng hoảng.
Bảo hiểm tìm cách ứng phó khủng hoảng

Theo ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc Vinare, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có dấu hiệu giảm so với các năm trước, lợi nhuận nghiệp vụ chưa được cải thiện, hiệu quả đầu tư còn thấp, rủi ro hoạt động cao. Mặc dù vậy, nền kinh tế phát triển từ xuất phát điểm thấp nên thị trường bảo hiểm vẫn được coi là tiềm năng.

Trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm, ông Tứ cho rằng, để các DN bảo hiểm kinh doanh hiệu quả, cần tăng cường chất lượng quản trị DN/đánh giá rủi ro bảo hiểm; ưu tiên hợp tác, chia sẻ các dịch vụ trong nước với điều kiện không bất lợi hơn so với tái bảo hiểm ra nước ngoài; đầu tư nhiều hơn cho công nghệ thông tin.

Về nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Tái bảo hiểm, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, thị trường hiện vẫn tiếp diễn tình trạng giảm phí quá mức, hay nói cách khác là phi kỹ thuật; đấu thầu phí, thậm chí đấu thầu môi giới ở hầu hết các dịch vụ, trong khi công tác đánh giá rủi ro không được quan tâm đúng mức, chi phí khai thác cao, tỷ trọng khai thác mất cân đối; thị trường bảo hiểm thế giới  còn khó khăn nên họ thường không nhận bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm đối với nhóm rủi ro 3, 4 ở thị trường tài sản Việt Nam.

Trước thực trạng trên, ông Hưng kiến nghị, cần tăng cường công tác quản trị rủi ro, đánh giá rủi ro, sàng lọc kỹ rủi ro; đưa mô hình quản lý tập trung, giảm phân cấp cho địa phương; có chính sách khai thác hiệu quả…

Đánh giá chung về thị trường bảo hiểm Việt Nam của đại diện các công ty bảo hiểm là hiệu quả kinh doanh còn thấp, lỗ nghiệp vụ ở hầu hết các DN, thu không đủ bù chi, nhiều nghiệp vụ có tái bảo hiểm lỗ nhiều năm liền như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tàu biển; nhiều nhà bảo hiểm, tái bảo hiểm hiểm quốc tế đã rút khỏi thị trường hoặc không nhận dịch vụ từ thị trường.

Ông Thomas Hess, nguyên Trưởng ban Kinh tế của Swiss Re nhận xét, kinh tế Việt Nam tuy đã ổn định, nhưng nhiều rủi ro còn tồn tại và đó chính là một trong những thách thức đối với các DN bảo hiểm phi nhân thọ.

“Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, nhưng vẫn chậm hơn một số thị trường châu Á về tỷ trọng phí trên đầu người và GDP’, ông Thomas Hess nói.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Vinare cho rằng, các nội dung thảo luận đã nói đúng, nói trúng thực trạng, những vấn đề sống còn của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam . Tuy nhiên, ông Tuyến nhận định, nhu cầu bảo hiểm vẫn còn rất lớn; tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam mặc dù còn khó khăn, nhưng đã có dấu hiệu chuyển biến. Riêng với các DN bảo hiểm phi nhân thọ, năng lực tài chính đang dần được nâng cao, tăng mức giữ lại, chú trọng các kênh phân phối mới; các DN, nhất là DN lớn ngày càng quan tâm đến hiệu quả kinh doanh (năm 2011, có 15/29 DN có lãi từ nghiệp vụ so với con số 10/28 DN của năm 2009); khung pháp lý của thị trường ngày càng được hoàn thiện; việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp bước đầu ghi nhận kết quả đáng khích lệ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Đình Trọng, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cam kết tiếp tục đồng hành cùng các DN thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020.  

Gần 130 đại biểu đến từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, các tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới như Swiss Re, Munich Re và 26 DN bảo hiểm phi nhân thọ đã tới tham dự Hội nghị Tái bảo hiểm lần thứ V, với chủ đề “Đoàn kết sức mạnh đối phó với khủng hoảng”. Hội thảo do Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) tổ chức.

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục