Bảo hiểm thất nghiệp đang bị lợi dụng

Tình trạng nợ, chậm nộp các loại bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước, dẫn đến số nợ đọng bảo hiểm lớn.
Tổng số nợ bảo hiểm thất nghiệp đến 31/12/2011 là 374,735 tỷ đồng (7,1% số phải thu) - Ảnh minh họa. Tổng số nợ bảo hiểm thất nghiệp đến 31/12/2011 là 374,735 tỷ đồng (7,1% số phải thu) - Ảnh minh họa.

Đó là tình trạng được Kiểm toán Nhà nước cho biết tại báo cáo kết quả kiểm toán quỹ bảo hiểm năm 2010 và 2012, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, tổng số nợ bảo hiểm đến 31/12/2011 là 6.420,374 tỷ đồng, gồm: bảo hiểm xã hội bắt buộc 4.496,142 tỷ đồng (tương ứng 6,8% so với số phải thu); bảo hiểm y tế 1.549,496 tỷ đồng; bảo hiểm thất nghiệp 374,735 tỷ đồng (7,1% số phải thu). 

 

Thực trạng này là kết quả của khá nhiều bất cập, hạn chế được chỉ ra qua kết quả kiểm toán, trong đó có cả bất cập về cơ chế, chính sách.

 

Theo Kiểm toán Nhà nước, do quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp 1 năm sẽ được 3 tháng trợ cấp, nên nhiều đơn vị sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận ký hợp đồng lao động 1 năm, sau khi hết hạn hợp đồng thì cho nghỉ việc 1 tháng để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó tiếp tục ký lại hợp đồng lao động.

 

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp người lao động chủ động thỏa thuận với người sử dụng lao động để hưởng trợ cấp thất nghiệp, như: chấm dứt hợp động không đúng bản chất của thất nghiệp; một số doanh nghiệp cuối năm cho nghỉ hàng loạt và xem khoản trợ cấp thất nghiệp như một khoản thu nhập tăng thêm cho người lao động.

 

Tuy nhiên, bản báo cáo đã không nêu địa chỉ cụ thể và con số định lượng cho sự lợi dụng chính sách này.

 

Cho vay sai nguyên tắc nhiều tỷ đồng

 

Cho biết con số đến 31/12/2011, tổng nguồn quỹ bảo hiểm nhàn rỗi có thể đầu tư là 183.503,99 tỷ đồng, tổng số tiền đã đầu tư là 180.961,88 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2010, báo cáo cũng chỉ ra không ít hạn chế trong quản lý đầu tư quỹ này.

 

Như, cán bộ quản lý quỹ còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, đồng thời cơ chế quản lý đầu tư quỹ chưa cụ thể, trong khi Bảo hiểm Xã hội cho vay quá nhiều khách hàng (trên 200 chi nhánh của các ngân hàng thương mại) nên vượt quá khả năng quản lý và dễ xảy ra rủi ro trong đầu tư.

 

Việc ký kết các hợp đồng cho vay với các ngân hàng thương mại, theo Kiểm toán Nhà nước cũng chưa chặt chẽ, không đảm bảo quyền lợi của Bảo hiểm xã hội.

 

Đáng chú ý là đầu tư cho vay đối với Công ty Cho thuê tài chính II sai nguyên tắc, vượt hạn mức bảo lãnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với số tiền lớn, khả năng thu hồi vốn rất khó khăn. Đến 31/12/2009, tổng dư nợ vay của công ty này tại Bảo hiểm Xã hội là 1.010 tỷ đồng, vượt 610 tỷ đồng so với văn bản bảo lãnh của ngân hàng, trong đó nợ quá hạn 200 tỷ đồng và nợ lãi 44,36 tỷ đồng.

 

Cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ, số tiền Bảo hiểm Xã hội cho vay 200 tỷ đồng ngày 5/8/2009 với thời hạn 1 tháng là không đúng quy định, vì Công ty Cho thuê tài chính II không có chức năng huy động tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng của tổ chức, cá nhân.

 

Đến 31/12/2011, Công ty Cho thuê tài chính II còn số nợ gốc 787,5 tỷ đồng, nợ lãi 264,6 tỷ đồng, báo cáo nêu rõ.

 

Báo cáo cũng cho biết, theo dự thảo báo cáo kiểm toán năm 2011, dự kiến xử lý về tài chính 36.348,2 triệu đồng. Trong đó giảm trừ kinh phí quản lý bộ máy 1.667,2 triệu đồng; hoàn trả ngân sách Nhà nước 6.435,3 triệu đồng, tăng lãi hoạt động đầu tư quỹ 4.159 triệu đồng, thu hồi các nhà thầu hoàn trả quỹ đầu tư 499 triệu đồng; giảm thanh toán cho các nhà thầu xây dựng 1.690 triệu đồng...

 

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng và ban hành chế độ kế toán phù hợp với mô hình, đặc thù hoạt động của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của bảo hiểm xã hội và tài sản, tiền vốn của Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan này.


VNE

Tin cùng chuyên mục