Bảo hiểm sức khỏe, vì sao được mua nhiều?

(ĐTCK) Nếu không có gì thay đổi thì chỉ thời gian ngắn nữa, thị trường bảo hiểm nhân thọ lại tiếp tục đón nhận thêm 2-3 sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Nhu cầu bảo hiểm sức khỏe tăng lên là do chi phí điều trị tăng và nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo không còn thấp Nhu cầu bảo hiểm sức khỏe tăng lên là do chi phí điều trị tăng và nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo không còn thấp

Tính đến thời điểm này, mỗi công ty bảo hiểm trên trên thị trường đều đã triển khai ít nhất hơn 1 loại sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe, nhất là bảo hiểm với chế độ điều trị cao, ngày càng tăng. Thu nhập người dân cũng tăng là cơ hội phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe nói riêng.

Kết quả khảo sát về chỉ số sức khỏe tại một số quốc gia ở châu Á của Tập đoàn Sun Life Financial vừa công bố mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ người dân tại các quốc gia châu Á hài lòng với sức khỏe của mình tiếp tục giảm sút. Theo đó, chỉ có 60% người được khảo sát cảm thấy hài lòng về sức khỏe nói chung của họ, giảm so với con số 65% trong năm 2015.

"Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiên về yếu tố bảo vệ vẫn còn ở mức sơ khai, nhưng tới đây sẽ rất phát triển"

Kết quả khảo sát cho thấy, mối lo ngại về các bệnh tật liên quan đến cuộc sống hiện đại ngày càng gia tăng, với tỷ lệ nhiều người dân châu Á hơn cho rằng, họ thiếu thời gian và động lực để sống khỏe mạnh hơn.

Tại Việt Nam, người được khảo sát đã đưa ra các lý do chính, bao gồm việc thiếu thời gian do làm việc quá nhiều (44%), chi phí (38%), do bận rộn việc gia đình (34%) và các phương tiện giải trí (30%)….

“Kết quả này cho thấy, người dân ngày càng quan tâm hơn về tình trạng sức khỏe của họ, cũng như việc tìm cách cải thiện sức khỏe trong cuộc sống hiện đại”, ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam phát biểu.

Viện phí tăng cũng là động lực

Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm tại Việt Nam cho biết, việc Chính phủ cho phép các bệnh viện tính đúng, tính đủ 1.800 loại thuốc và dụng cụ y tế vào viện phí điều trị, làm viện phí ngày càng tăng cao. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo (đặc biệt là ung thư) ngày càng tăng cao, xuất hiện nhiều cả với những người trẻ, khiến nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe cũng tăng mạnh.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo  hiểm Việt Nam, năm 2016, doanh thu bảo hiểm sức khỏe của riêng khối phi nhân thọ ước đạt 9.472 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2015. Doanh thu phí của bảo hiểm sức khỏe cũng chiếm tỷ trọng cao, đạt khoảng 26%/tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm của toàn khối phi nhân thọ.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, dù không có thống kê cụ thể doanh thu từng sản phẩm, nhưng bảo hiểm sức khỏe vẫn luôn là sản phẩm bán tốt nhất của các doanh nghiệp khối này. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đã có khá nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm này, chẳng hạn như Bảo Việt Nhân thọ hay Fubon và sắp tới sẽ là Generali Việt Nam…

“Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuần tiết kiệm sẽ không phổ biến bằng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiết kiệm kết hợp với bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ trước bệnh hiểm nghèo”, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận về xu hướng phát triển của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam.

Bảo hiểm nhân thọ dù đã có mặt ở Việt Nam gần 2 thập kỷ, nhưng những năm gần đây thị trường mới phát triển rõ rệt. Tỷ lệ dân số có bảo hiểm chưa thể đạt tới 10% (tỷ lệ dân số có bảo hiểm vẫn chủ yếu ở các thành phố, đô thị lớn, trong khi khu vực ngoại thành và nông thôn vẫn rất thấp) chính là tiềm năng để các công ty bảo hiểm nhân thọ tiếp tục khai thác và tạo nên sự tăng trưởng cho thị trường.

“Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiên về yếu tố bảo vệ vẫn còn ở mức sơ khai, nhưng tới đây sẽ rất phát triển. Một số công ty bảo hiểm đã và đang tập trung cho việc phát triển bảo hiểm nhân thọ có yếu tố bảo vệ, trong đó có các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và viện phí…”, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ có thị phần lớn trên thị trường cho biết.

Chia sẻ với báo giới tại buổi giới thiệu việc giảm thiểu các điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm, ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc FWD Việt Nam cho biết, dự kiến trong năm nay, FWD Việt Nam sẽ giới thiệu thêm giải pháp bảo hiểm bệnh hiểm nghèo rất đặt biệt và phù hợp với nhu cầu đang cần hiện nay của  thị trường.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục