Bảo hiểm phi nhân thọ: Thị trường ngoại hấp dẫn!

(ĐTCK-online) Cuộc chinh phục thị phần bảo hiểm phi nhân thọ ở nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam bắt đầu nóng lên với sự kiện CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) vừa chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập CTCP Bảo hiểm ChămPa tại Lào. Như vậy, PTI sẽ trở thành doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thứ hai tại Việt Nam gia nhập thị trường bảo hiểm Lào.
BIC hợp tác với LVI cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các xe quá cảnh từ Việt Nam sang Lào và ngược lại. BIC hợp tác với LVI cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các xe quá cảnh từ Việt Nam sang Lào và ngược lại.

Trước đó, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) là doanh nghiệp tiên phong thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng thị trường ra các nước láng giềng. Cụ thể,  tháng 6/2008, BIC đã thành lập và đưa vào hoạt động Liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt (LVI) tại Lào và tháng 8/2009, BIC được giao quản lý và điều hành hoạt động Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thành lập tại Campuchia. Hiện LVI đã thành lập được 3 phòng kinh doanh khu vực tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; phát triển kênh phân phối qua đại lý tại tất cả các tỉnh, thành của Lào. Năm nay, LVI dự kiến bắt đầu có lợi nhuận sau gần 2 năm gây dựng hệ thống, tạo nền tảng khách hàng ban đầu. Hội đồng quản trị LVI đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2010 với các chỉ tiêu chính: tổng doanh thu 2 triệu USD, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phát sinh là 1,8 triệu USD, doanh thu hoạt động đầu tư tài chính 0,2 triệu USD; lợi nhuận trước thuế 36.000 USD.

Từ tháng 4/2010, BIC hợp tác với LVI cung cấp sản phẩm Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho các xe quá cảnh từ Việt Nam sang Lào và ngược lại. Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cho biết, tại thị trường Lào, Công ty xác định sẽ tập trung vào thị trường bán lẻ, tập trung chính vào đối tượng khách hàng cá nhân. Vì vậy, các sản phẩm chính sẽ bao gồm: xe cơ giới, con người, nhà tư nhân. Còn tại Campuchia, BIC sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức; các sản phẩm bảo hiểm chính sẽ là: kỹ thuật, tài sản, hàng hóa, hàng không.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, so với Việt Nam, thị trường bảo hiểm của Lào và Campuchia nhỏ hơn rất nhiều và  sự tham gia của nhiều công ty bảo hiểm trong thời gian gần đây đã tạo ra sự cạnh tranh rất gay gắt. “Tôi cho rằng, với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp mới gia nhập hai thị trường này sẽ khó có thể có được lợi nhuận trong ngắn hạn. Việc đầu tư vào đây phải được xác định là chiến lược dài hạn”, ông Tùng nói.

BIC và PTI là hai doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thành lập công ty liên doanh bảo hiểm tại Lào, nhưng thực tế, từ tháng 4/2007, cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã tham gia Đại hội đồng cổ đông với tư cách là cổ đông sáng lập của CTCP Điện Việt - Lào. Cùng với việc đầu tư này, PVI trở thành đơn vị cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các công trình thuộc dự án thuỷ điện tại Lào do CTCP Điện Việt - Lào đầu tư xây dựng và vận hành. Ngoài thị trường bảo hiểm Lào, tháng 12/2009, PVI chính thức chinh phục thị trường bảo hiểm của Nga khi cùng Hãng Sogaz - nhà bảo hiểm lớn thứ hai của Nga - thu xếp chương trình bảo hiểm cho các dự án tại Nga và các nước thứ ba.

Giới bảo hiểm cũng đang râm ran thông tin, có thể sẽ có thêm một liên doanh bảo hiểm nữa tại Myanmar. Bởi trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sang Myanmar vừa qua, BIDV đã khai trương và đưa vào hoạt động văn phòng đại diện tại Myanmar. Văn phòng này sẽ là cầu nối, đầu mối trong việc xúc tiến quan hệ, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về thị trường Myanmar để BIDV có cơ sở quyết định đầu tư chính thức các hoạt động kinh doanh tại đây, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC.

Trả lời ĐTCK về việc sẽ có một liên doanh bảo hiểm với Myanmar hay không, ông Tùng cho biết, Myanmar là thị trường lớn, tiềm năng, nhưng việc đầu tư kinh doanh bảo hiểm trực tiếp vào thị trường này trong giai đoạn hiện nay đang gặp một số trở ngại về pháp lý. Vì vậy, BIC mới đang trong giai đoạn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư và tất nhiên sẽ có quyết định vào thời điểm phù hợp.

Nhận định về xu thế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay, ông Tùng cho rằng, tùy theo chiến lược của mỗi doanh nghiệp mà việc quyết định đầu tư ra hải ngoại của mỗi công ty sẽ khác nhau. “Thị trường bảo hiểm của Lào và Campuchia nhỏ hơn Việt Nam, nhưng tôi không cho rằng, họ kém phát triển hơn. Với BIC, mặc dù đã có hiện diện kinh doanh tại Lào và Campuchia, nhưng chúng tôi xác định thị trường Việt Nam vẫn là chính yếu, cần phải tập trung đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng sân nhà vì đang chiếm tỷ trọng lớn”, ông Tùng chia sẻ.

Mặc dù nhận thấy có không ít cơ hội khi đầu tư ra nước ngoài, nhưng trao đổi với ĐTCK, đại diện nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, họ vẫn chưa có chiến lược gì trong việc tiếp cận những thị trường mới, bởi thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn còn quá rộng rãi, chưa khai thác hết. Đối với PTI và PVI, hai doanh nghiệp này đã giành được một vị trí nhất định tại thị trường nội địa, nên việc đầu tư ra nước ngoài cũng không quá khó khăn. Nhưng thực tế, trong tầm nhìn chiến lược của mình, hai doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp đứng đầu về thị phần bán lẻ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục