Bảo hiểm phi nhân thọ thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2018

(ĐTCK) Dù chưa kết thúc năm, nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã có ước tính kết quả kinh doanh năm 2017 - một năm kinh doanh không nhiều thuận lợi với các doanh nghiệp khối này. Bởi vậy, trong kế hoạch kinh doanh 2018, nhiều doanh nghiệp đều tỏ ra thận trọng.
2017 là năm kinh doanh không nhiều thuận lợi đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 2017 là năm kinh doanh không nhiều thuận lợi đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

“Bảo Minh vượt qua năm 2017 với nhiều khó khăn để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu, cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và đầu tư vốn.

Ngoài ra, Bảo Minh cũng đảm bảo được mục tiêu  nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc khách hàng, nâng cao công tác kiểm soát rủi ro trong khâu tư vấn cho khách hàng để nhận bảo hiểm, giám định bồi thường khi có tổn thất…”, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh chia sẻ.

Theo ông Thành, tuy khó khăn, nhưng năm 2017 vẫn dự kiến hoàn thành kế hoạch về doanh thu, với tăng trưởng so với năm 2016 từ 10-12%, lợi nhuận ước đạt 200 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Đối với BIC, trong bối cảnh các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống gặp khó khăn, hãng bảo hiểm này đã xây dựng các giải pháp đồng bộ để gia tăng thị phần, song song với việc cân đối và giữ vững mục tiêu về hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro.

Theo lãnh đạo BIC, năm 2017 được xác định là năm bancassurance, thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các ngân hàng liên kết trên toàn quốc.

“Kết quả, kênh phân phối này đã tăng trưởng ấn tượng 60%, đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của BIC trong năm 2017”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2017 cũng được coi là năm “bùng nổ” mối quan hệ hợp tác bancassurance của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Không chỉ BIC, mà Bảo Minh hay PVI… cũng đã đẩy mạnh việc liên kết với các ngân hàng để bán bảo hiểm.

Dù vậy, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán đại diện PTI cho biết, năm 2018, PTI sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ thông tin để hoàn thiện chất lượng phục vụ khách hàng.

“Đặc biệt, với sự hợp tác và hỗ trợ trực tiếp của cổ đông chiến lược là Công ty Bảo hiểm Dongbu (Hàn Quốc), PTI dự kiến triển khai thêm các tiện ích giúp đơn giản hóa quy trình bồi thường, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục bảo hiểm... Trước mắt, PTI sẽ ưu tiên hoàn thiện hoạt động giải quyết bồi thường tại nghiệp vụ xe cơ giới, sau đó, sẽ tiếp tục mở rộng các các nghiệp vụ còn lại...”, đại diện PTI cho hay.

2018: Tập trung quản lý chi phí, quản trị rủi ro

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2018 được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng ở mức trên 10% và có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển doanh thu và thị phần. Việc bồi thường cao do quản lý yếu kém và chi phí cao do cạnh tranh không lành mạnh vẫn là các nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp bảo hiểm lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm,

“Do vậy, trong kế hoạch kinh doanh 2018, bên cạnh việc ưu tiên nâng cao chất lương phục vụ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung nhiều hơn vào công tác quản trị rủi ro, quản lý chi phí...”, một chuyên gia khuyến nghị.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong quản trị rủi ro, các doanh nghiệp cần kiểm soát về rủi ro bảo hiểm, rủi ro tài chính, đặc biệt là nghiệp vụ xe cơ giới; thành lập các nhóm đánh giá rủi ro, cải tổ mô hình giám định bồi thường tổn thất, nhất là với nhóm bảo hiểm có tỷ lệ tổn thất cao như hàng hải…; các nhóm nghiệp vụ khác như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy… cũng cần nâng cao mức độ kiểm soát…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh, đặc biệt là phát triển hệ thống giám định, rút ngắn thời gian bồi thường cho khách hàng… không chỉ là mục tiêu ngắn hạn, mà còn là chiến lược dài hạn của các công ty này.

Đơn cử, trong năm tới, lãnh đạo Bảo Minh chia sẻ, hãng bảo hiểm này sẽ tập trung phát triển các nghiệp vụ có nhu cầu lớn và khai thác qua kênh có hiệu quả cao như bancassurance...

Còn tại BIC, đại diện doanh nghiệp này cho hay, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, chất lượng quản trị dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; tập trung phát triển các kênh phân phối bán lẻ, đặc biệt là bancassurance; áp dụng các chương trình công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhanh việc tạo ra sản phẩm mới, kênh phân phối mới và kiểm soát chặt chẽ hoạt động bồi thường…

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục