Bảo hiểm phi nhân thọ “đau đầu” với bài toán đầu tư

(ĐTCK) Không chỉ gặp khó khăn trên mảng nghiệp vụ lõi, việc tối ưu hiệu quả đầu tư cũng là thách thức lớn của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong bối cảnh hiện nay.  
Bảo hiểm phi nhân thọ “đau đầu” với bài toán đầu tư

Hội đồng quản trị Bảo Minh dự kiến trình Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 phê duyệt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu (không bao gồm doanh thu chênh lệch tỷ giá) 3.218,2 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế 175 tỷ đồng, tương đương 70,24% và 79,32% mức thực hiện năm 2019.

Một hãng bảo hiểm khác là PJICO trong tờ trình Ðại hội đồng cổ đông 2020 đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế không thấp hơn so với thực hiện năm 2019; tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.293 tỷ đồng (không bao gồm bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/CP), tăng trưởng 8% so với năm 2019.

Ðược biết, năm 2019, tổng doanh thu bảo hiểm gốc (chưa bao gồm bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/CP) của hãng bảo hiểm này đạt 3.048 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 200,7 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018…

Các hãng bảo hiểm khác cũng đang xem xét và dự tính sẽ bàn thảo tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên (hầu hết đã được dời đến trước ngày 30/6/2020) việc có thể điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Dịch bệnh Covid-19 được dự báo sẽ tác động xấu tới các chỉ tiêu doanh thu phí khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Năm 2020, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự báo có thể chỉ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước; trong đó, các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, con người, sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, bảo hiểm trách nhiệm… dự kiến sẽ tăng khoảng 25%.

Cùng với dịch vụ bảo hiểm, đầu tư là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho các công ty bảo hiểm. Hoạt động này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thị trường tài chính, chứng khoán suy giảm mạnh.

Ðể đảm bảo an toàn vốn, thông thường, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm được phân bổ với tỷ trọng đầu tư hơn 70% vào tiền gửi ngân hàng, 10% vào chứng khoán, 5% vào bất động sản…

Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường, toàn bộ nền kinh tế đang gặp khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Sự ảnh hưởng đã thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, bất động sản đóng băng và lãi suất tiền gửi giảm theo lãi suất cho vay.

Theo đại diện PTI, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và PTI nói riêng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp sau một năm kém khả quan.

Cụ thể, lãi gộp từ hoạt động đầu tư tài chính năm qua chỉ đạt 222 tỷ đồng, hoàn thành 88,9% kế hoạch năm.

Nguyên nhân chính do lỗ từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Năm 2019, thị trường chứng khoán tiếp tục suy giảm mạnh, dẫn đến trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán cũng tăng lên.

Với Bảo Minh, tổng doanh thu hoạt động tài chính năm 2019 đạt 217 tỷ đồng đạt 94,5% so với kế hoạch và chỉ bằng 89,4% so với năm 2018.

Lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính đạt 132 tỷ đồng, bằng 82,8% kế hoạch và bằng 105,7% so với năm 2018.

Nguyên nhân chính là do thị trường chứng khoán biến động khó lường, dẫn đến lợi nhuận kinh doanh cổ phiếu sụt giảm mạnh, thu lãi cổ tức và lãi tiền gửi dù có tăng nhưng cũng không bù đắp được…

Thực tế, đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm, dù không sử dụng vốn vay nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến động lãi suất, nhưng giá trị hợp lý hoặc dòng tiền trong tương lai của các công cụ tài chính sẽ gián tiếp biến động do sự thay đổi của lãi suất thị trường.

Chính vì thế, bài toán đặt ra cho năm 2020 với các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ là tìm giải pháp thúc đẩy thị trường bảo hiểm với các dòng sản phẩm hay dịch vụ mới, mà còn là việc lựa chọn danh mục đầu tư sao cho hiệu quả.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại danh mục đầu tư tài chính để đề xuất phương án thoái vốn, bán các cổ phiếu kém hiệu quả hoặc đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng”, một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục