Bảo hiểm “nhức nhối” chuyện bồi thường

(ĐTCK) Nội dung được trao đổi nhiều nhất tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) được tổ chức ngày 20/3, vẫn là tỷ lệ bồi thường tăng cao.
Bảo hiểm “nhức nhối” chuyện bồi thường

 Đáng chú ý, nhóm DN bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao lại không thuộc nhóm có doanh thu cao.

 Bảo hiểm “nhức nhối” chuyện bồi thường ảnh 1

Bồi thường cao gắn với DN mới

Theo thống kê năm 2011 của AVI, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc là 8.445 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường cao thuộc các lĩnh vực: bảo hiểm cháy nổ (68%), bảo hiểm tàu thủy (57%), bảo hiểm hàng không (54%), bảo hiểm xe cơ giới (51%) và bảo hiểm sức khỏe (43%). Các DN có tỷ lệ bồi thường cao là Bảo Minh (57%), BIC (56%), Bảo Long (52%); Liberty (54%), Bảo Việt Tokyo Marine (50%), Hàng không (44%).

Đối với bảo hiểm cháy nổ, số tiền đã giải quyết bồi thường là 940 tỷ đồng. Các DN có tỷ lệ bồi thường cao gồm Bảo Long (579%), PTI (384%), Phú Hưng (126%), Bảo Minh (117%); UIC (94%).

Còn với bảo hiểm tàu thủy, số tiền đã bồi thường bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu là 1.068 tỷ đồng. Các DN có tỷ lệ bồi thường cao là BIC (158%), Bảo Minh (87%), Bảo Long (77%), Bảo Việt (56%), PJICO (45%).

Bảo hiểm xe cơ giới (dẫn đầu thị trường về doanh thu), đã giải quyết bồi thường 3.188 tỷ đồng. Các DN có tỷ lệ  bồi thường cao là Phú Hưng (308%), Bảo Long (72%), ABIC (65%), AAA (59%), Hàng Không (55%).

Điều đáng nói là các DN có doanh thu cao từ hoạt động bảo hiểm lại không thuộc top bồi thường cao. Chẳng hạn như PVI, Bảo Việt, PJICO… (ngoại trừ Bảo Minh), dù dẫn đầu doanh thu trong mọi loại hình bảo hiểm như cơ giới, tài sản kỹ thuật, cháy nổ… nhưng không có trong danh sách các DN có tỷ lệ bồi thường cao.

Lý giải thêm về điều này, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch AVI cho rằng, ngoài các yếu tố bất khả kháng (thiên tai..) thì đó là do top DN có doanh thu cao là những DN lớn, chiếm thị phần lớn, có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường, nên công tác quản lý rủi ro tốt hơn.

Có thể thấy, ngoại trừ Bảo Minh, những cái tên như Phú Hưng, Bảo Long, Liberty,… được nhắc đến nhiều lần trong top bồi thường cao, đều là những DN mới, thị phần nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý rủi ro, bồi thường, cạnh tranh chủ yếu bằng hạ phí.

Ông Tuyến đưa ra ví dụ, đối với bảo hiểm tài sản kỹ thuật, có DN hạ phí bằng 1/5 tổng dự toán cho công trình, mở rộng điều khoản bảo hiểm sang cả lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, tai nạn con người, có những DN chỉ biết thu phí bảo hiểm mà chưa coi trọng tính an toàn của tài sản - không biết nhà máy ở đâu.

Bà Lê Thúy Bình, Ủy viên AVI bổ sung, đối với bảo hiểm cháy nổ, những khuyến cáo về cơ sở ngành hàng có nguy cơ cháy nổ cao (gỗ, dệt may, giày dép, nhựa…) đi liền với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh hay những khuyến cáo về quản lý rủi ro phí bảo hiểm mà AVI đưa ra vẫn chưa được DN nghiêm túc thực hiện.

Một so sánh khác cho thấy yếu tố quản trị rủi ro đã ảnh hưởng ra sao đến mức độ bồi thường bảo hiểm, đó là tương quan về số tiền bảo hiểm giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước (dĩ nhiên có yếu tố thị phần). Trong năm qua, các DN nước ngoài chỉ bồi thường 680 tỷ đồng, trong khi với các DN trong nước, con số này lên tới 7.765 tỷ đồng.

 

Bồi thường cao có xấu?

Theo bà Bình, chính việc cạnh tranh bằng hạ phí mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm không tương xứng với rủi ro đã làm cho nhiều DN liên tục thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm. Vì vậy, AVI đang xây dựng biểu phí cơ bản cho nhóm đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao để cảnh báo DN khi định phí bảo hiểm. Ngoài ra, AVI cũng sẽ phối hợp với DN triển khai chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro đối với khách hàng, đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao (không nộp đủ phí, đã từng trục lợi bảo hiểm, có số lần tổn thất hoặc số tiền bồi thường cao).

Tuy nhiên, theo ông Hà Vũ Hiển, Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Tokyo Marine, không nên xem bồi thường cao là xấu, mà nên xem đó là hiện tượng bình thường, phản ánh trực diện rủi ro của các DN bảo hiểm.

“Không phải cứ bồi thường thấp là tốt và ngược lại. Bồi thường thấp mà chi phí cao chưa chắc đã tốt bằng bồi thường cao, chi phí thấp. Quan trọng hơn, không nên khẳng định bồi thường cao/thấp là tốt hay xấu mà cần căn cứ vào các yếu tố khác. Vì vậy, bồi thường ở mức chấp nhận được cùng với chi phí hợp lý sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như phục vụ cho sự phát triển của DN”, ông Hiển nói.

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục