Bảo hiểm nhân thọ “nhòm” sang thị trường nông thôn

(ĐTCK) Lạm phát tăng cao từ giữa năm 2008 khiến lượng khách hàng tham gia bảo hiểm tại công ty bảo hiểm chấm dứt hợp đồng trước hạn tăng mạnh. Nguồn khách hàng tiềm năng cũng giảm, nên số lượng hợp đồng mới khai thác của mảng bảo hiểm nhân thọ không nhiều.

Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, tuy doanh thu cả năm 2008 của khối này đạt 10.339 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2007, nhưng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới giảm gần 14% so với năm 2007. Đặc biệt, số hợp đồng bị hủy bỏ năm thứ nhất tăng 8,83% so với năm 2007. Tính hết quý I/2009, số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong kỳ giảm 11%, hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ tăng tới 15%.

Tuy sụt giảm mạnh về doanh số, nhưng điều này không hề làm nao lòng công ty bảo hiểm nhân thọ, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lạc quan và tin tưởng rằng, thị trường bảo hiểm sẽ sớm phục hồi trở lại cùng với những tín hiệu tốt của nền kinh tế.

“Mặc dù thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam không còn trong giai đoạn tăng trưởng phi mã của những ngày đầu mở cửa, nhưng vẫn đầy tiềm năng. Mới chỉ khoảng 10% người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ, trong khi ở Hàn Quốc, tỷ lệ này là trên 90%”, ông Jung Seop Hyun, Tổng giám đốc Korea Life Vietnam cho biết.

Thông tin từ Công ty Bảo hiểm BNP Paribas Assurance cho biết, hiện chỉ có 8% người dân Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng và doanh thu bảo hiểm mới chiếm 0,9% GDP, trong khi ở Thái Lan, con số này là 2,2%, Đài Loan là 8,5%. Nhiều công ty bảo hiểm xác định, Việt Nam với dân số trên 86 triệu người, trong đó 60% nằm ở độ tuổi lao động và tỷ lệ tham gia bảo hiểm chỉ ở mức chưa đến 10% là một thị trường hấp dẫn.

Hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đang tập trung tìm kiếm và khai thác thị trường chủ yếu ở các thành phố lớn. Thị trường nông thôn với hơn 60 triệu dân gần như bỏ ngỏ. Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam, ông David Wong cho biết, mặc dù chiến lược của Manulife Việt Nam là tập trung vào các thành phố lớn và phục vụ tầng lớp trung lưu, nhưng Manulife Việt Nam cũng đang nhắm tới thị trường nông thôn.

Theo ông Jung Seop Hyun, 10 năm trước khi thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam mở cửa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ước tính chỉ khoảng 10% người dân Việt Nam có khả năng tham gia bảo hiểm nhân thọ. Hiện nay, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 30% vì tốc độ tăng trưởng GDP rất cao của Việt Nam trong 10 năm qua. “Với chiến lược “phủ sóng” khắp Việt Nam, Korea Life tin rằng, khi mở rộng mạng lưới, Công ty

 

 

 

sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng ở khu vực ngoại ô và nông thôn”, ông Jung Seop Hyun nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, dù dư địa còn lớn, nhưng thị trường bảo hiểm ở nông thôn cũng không dễ thâm nhập, nếu không nghiên cứu kỹ (khác biệt về văn hóa, kinh tế, tập quán…) và xây dựng một chiến lược bài bản về thị trường này. Ông David Wong cho biết, khi lên kế hoạch xâm nhập thị trường này, Manulife Việt Nam phải xây dựng lực lượng phân phối sản phẩm theo một cách khác. “Chúng tôi không dùng đội ngũ đại lý để làm kênh phân phối chính ở vùng nông thôn, mà kết hợp với một số tổ chức. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để cung cấp sản phẩm bảo hiểm Micro Insurance, tức sản phẩm bảo hiểm vi mô dành cho người nghèo ở thành thị”, ông David Wong nói.

Một số chuyên gia về bảo hiểm cho rằng, sản phẩm dành cho thị trường nông thôn nên có đặc tính riêng; doanh nghiệp bảo hiểm muốn hướng về thị trường này phải có mạng lưới và dịch vụ kinh doanh đi kèm khác biệt so với hệ thống truyền thống đang tổ chức ở thành phố lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng chương trình mới về huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên để đáp ứng yêu cầu tư vấn cho đối tượng khách hàng ở vùng nông thôn.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục