Bảo hiểm nhân thọ “miễn phí” và giảm nỗi lo trượt giá

(ĐTCK) Thời hạn của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất dài nên nhiều người lo ngại giá trị hợp đồng bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn miễn phí và giúp giảm nỗi lo trượt giá.
Ông Nguyễn Đức Thắng đã đi khắp 63 tỉnh, thành phố để nói chuyện, chia sẻ, động viên, truyền động lực cho các tư vấn viên bảo hiểm cũng như những người đã và đang quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ Ông Nguyễn Đức Thắng đã đi khắp 63 tỉnh, thành phố để nói chuyện, chia sẻ, động viên, truyền động lực cho các tư vấn viên bảo hiểm cũng như những người đã và đang quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ

Thế nào là miễn phí?

Tại sao lại nói bảo hiểm nhân thọ không mất tiền mua mà lại phải đóng phí bảo hiểm? Cuộc sống không có gì miễn phí mà tốt cả, ngoại trừ bảo hiểm nhân thọ. Khoản phí bảo hiểm bạn đóng đã đều đặn được tích lũy và đến khi đủ số tiền cần thiết, bạn sẽ nhận lại giá trị đáo hạn.

Tức là toàn bộ số tiền bạn đã đóng góp trả về cho bạn, bạn còn có thể nhận thêm những khoản lãi chia tích lũy. Giá trị đáo hạn sẽ lớn hơn số tiền bạn đã đóng góp. Rõ ràng, bạn không mất tiền mà được nhận lãi chia và còn được bảo hiểm miễn phí suốt thời hạn hợp đồng. Bảo hiểm nhân thọ không phải mua, mà phải nói là tham gia thì đúng hơn!

Giả sử, bạn tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thời hạn 15 năm và đóng phí liên tục, với tổng số tiền đóng khoảng 100 triệu đồng đến khi đáo hạn thì toàn bộ số tiền trên sẽ được trả về cho bạn và bạn được nhận thêm những khoản lãi đã được tích lũy đến thời điểm đó (tùy theo từng loại hợp đồng).

Giảm nỗi lo trượt giá

Ông Nguyễn Đức Thắng 

Nhiều người không muốn tham gia bảo hiểm nhân thọ vì cho rằng, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mệnh giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng đến khi đáo hạn nhận về nếu quy ra vàng, ra gạo, ra thịt…, tóm lại là “quy ra thóc” thì chẳng đáng là bao, vì đồng tiền bị mất giá so với thời điểm tham gia. Họ cho rằng, cũng số tiền đó, nếu mua các tài sản có giá trị như vàng, đô la hay bất động sản, chứng khoán, hoặc chỉ cần gửi ngân hàng thì lãi nhiều hơn.

Chúng ta cùng thử lấy một ví dụ như sau. Khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm 20 năm, mỗi năm đóng 12 triệu đồng/năm thì tổng số tiền phải góp của 20 năm là 240 triệu đồng. Điều quan trọng là khách hàng không cần chi ngay số tiền 240 triệu đồng đóng cho công ty bảo hiểm khi ký hợp đồng.

Mỗi năm, khách hàng sẽ chỉ đóng 12 triệu đồng và đóng đều đặn trong 20 năm. Vậy, nếu có trượt giá thì cũng chỉ trượt giá trong số tiền đã đóng vào thôi, chứ phần chưa đóng đâu có ảnh hưởng gì. Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm chia lãi cho bạn hàng năm sẽ bù đắp một phần lạm phát, mất giá.

Trong thực tế, mọi hàng hóa đều có xu hướng tăng giá vài ba lần trong năm, nhưng số tiền bạn đóng bảo hiểm từ năm đầu đến năm cuối là cố định, không thay đổi, đâu có bị tăng số tiền đóng ở các năm sau. Hơn nữa, bạn đừng chỉ lo trượt giá, mất giá, vì đó là chuyện vẫn xảy ra.

Cuộc sống có những cái trượt, cái mất còn đáng lo ngại hơn như trượt dốc về sức khỏe, mất thu nhập gia đình… Lúc đó, nếu có trong tay một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì có thể giúp bạn tự chủ hơn với một khoản tiền nhất định, dù mới tham gia bảo hiểm được một thời gian ngắn và số tiền đóng góp còn ít.

Để giảm nỗi lo trượt giá của khách hàng, các công ty bảo hiểm đang cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm khác nhau với thời hạn được rút ngắn, thường là 10 năm. Tất nhiên, khách hàng có thể chọn thời hạn ngắn hơn, nhưng có thể không dưới 8 năm.

Thực chất, bảo hiểm nhân thọ là một quỹ dự trữ tài chính dài hạn được đóng góp bởi số đông người để chia sẻ rủi ro của một số ít người. Chúng ta có thể hình dung: người tham gia bảo hiểm sẽ đóng một khoản tiền theo định kỳ gọi là phí bảo hiểm, nhiều người tham gia sẽ tạo thành một quỹ lớn được gọi là quỹ dự trữ tài chính, quỹ này do công ty bảo hiểm nhân thọ quản lý.

Ngoài việc tích lũy tài sản cố định thì còn có thể dùng bảo hiểm nhân thọ như một kênh tiết kiệm nhằm tích lũy một khoản tiền để dành đáng kể cho người thân. Đặc biệt, việc thừa kế bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn không bị đánh thuế, giúp để lại trọn vẹn số tiền cho người thân.

Nếu chọn thời hạn quá ngắn trong khi mức phí đóng lại thấp thì quỹ dự trữ tài chính dài hạn của khách hàng sẽ bị co lại, không đảm bảo quyền lợi so với một hợp đồng bảo hiểm có thời hạn đóng phí phù hợp.

Hủy hợp đồng là lỗ

Có khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm thời hạn 20 năm, đóng phí được 5 năm thì một số nhà đầu tư chứng khoán khuyên nên rút ra đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, cơ hội sinh lời cao gấp nhiều lần bảo hiểm nhân thọ. Thế là, khách hàng bỏ dở giữa chừng, hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn. Hủy hợp đồng sớm đồng nghĩa với việc khách hàng chịu lỗ.

Khi khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ, khoản phí mà khách hàng đóng cho công ty được dùng để chi trả cho phí thuần (phần phí được công ty tính toán dựa trên hệ số tử vong phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính nhằm đảm bảo chi trả các quyền lợi bảo hiểm mà công ty đã cam kết trong hợp đồng) và phí quản lý trong suốt thời hạn đã cam kết trong hợp đồng.

Niềm đam mê của tôi là giúp cho mọi người hiểu đúng và có được sự bảo vệ an toàn từ bảo hiểm nhân thọ   

Trong những năm đầu, các chi phí liên quan đến phát hành và phục vụ hợp đồng như chi phí thẩm định, chi phí hoa hồng trả cho đại lý, chi phí in ấn… lớn hơn rất nhiều so với chi phí của những năm tiếp theo. Trong khi đó, phí bảo hiểm mà khách hàng đóng vào được phân bổ đều vào từng năm trong suốt thời hạn hợp đồng. Điều đó đồng nghĩa với chi phí phục vụ hợp đồng trong những năm đầu tiên cao hơn nhiều so với phí bảo hiểm đóng vào của khách hàng.

Do đó, trong 2 năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chưa có giá trị hoàn lại và một số năm tiếp theo, giá trị hoàn lại thường nhỏ hơn so với số phí đóng vào. Khi khách hàng hủy hợp đồng trong những năm đầu tham gia bảo hiểm, không chỉ khách hàng mà công ty bảo hiểm cũng thiệt thòi do chưa thu hồi đủ chi phí đã bỏ ra.

Theo Điều 35, Luật Kinh doanh bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí của 2 năm hợp đồng đầu tiên, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng; bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới 2 năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trong khi đó, người tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không bỏ dở giữa chừng, mà chẳng may có rủi ro gì xảy ra với người được bảo hiểm, thì công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ chi trả cho người tham gia số tiền bảo hiểm đã ghi trên hợp đồng, ngoài ra còn cộng thêm một khoản lãi đã được tích lũy đến thời điểm đó (tùy theo từng loại hợp đồng). Trường hợp hết hạn hợp đồng mà không có rủi ro gì xảy ra thì công ty bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ chi trả cho người tham gia số tiền bảo hiểm đã ghi trên hợp đồng, ngoài ra còn cộng với khoản lãi như đã cam kết.

Bảo vệ trước rủi ro

Mục đích chính của khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ là muốn nhận được sự bảo vệ trước những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra. Khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phát hành, khách hàng đã nhận được sự bảo vệ bằng với mệnh giá được ghi trong hợp đồng, miễn là khách hàng kê khai trung thực các thông tin cần thiết khi điền hồ sơ yêu cầu
bảo hiểm.

Hiểu một cách đơn giản là hôm nay ta vừa ra đồng gieo mạ, ngay ngày mai có gặt được không? Chắc chắn là không, sẽ hỏng hết, mất hết. Đợi thêm một thời gian, lúa đã lên, gặt sớm phơi làm rơm cho bò ăn thì vẫn lỗ. Thế nhưng, đợi đến lúc lúa thực sự chín vàng rồi gặt sẽ thu hoạch tốt. Đặc biệt, có một “giống lúa”, mỗi năm ta chỉ cần chăm bón một lần, “giống lúa” này lại kháng mọi loại “sâu rầy”, chịu được mọi thiên tai, bão lũ, đến khi thu hoạch chắc chắn sẽ gặt hái đủ như mong muốn. Đó chính là “giống lúa” bảo hiểm nhân thọ.

Nguyễn Đức Thắng
Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục