Bảo hiểm nhân thọ không lo thiếu chuyên gia tính phí

(ĐTCK) Ngay khi bước chân vào thị trường đã tuyển dụng những chuyên gia định phí (actuary) có bằng cấp được các tổ chức định phí thế giới công nhận và tự đào tạo nguồn actuary người Việt, nên khi có những quy định mới về tiêu chuẩn hành nghề actuary, các công ty bảo hiểm nhân thọ không rơi vào cảnh “trở tay không kịp” như một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã và đang đào tạo lực lượng actuary người Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã và đang đào tạo lực lượng actuary người Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn

Theo một chuyên gia trong ngành, so với bản dự thảo lần cuối, quy định mới về tiêu chuẩn của chuyên gia tính phí bảo hiểm đã loại bỏ chi tiết không cho phép các chuyên gia tính phí được kiêm nhiệm các công việc khác. Quy định này, theo như các doanh nghiệp phản ánh trước đó, sẽ khó khả thi bởi nguồn nhân lực chuyên ngành của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thêm thiếu hụt.

Ngoài quy định đã được loại bỏ thì trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, những tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán (Appointed Actuary) của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo Điều 31, Nghị định 73 về cơ bản không khác gì các quy định tại Điều 31, Thông tư 124/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính (chỉ có thêm về Actuary của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe). Do vậy, những quy định này không phải quá mới, cũng như không quá khắt khe.

Cũng theo vị này, những quy định chặt chẽ như vậy là cần thiết vì tính chất quan trọng của công việc. Theo quy định mới, chuyên gia tính toán (Appointed Actuary) của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 10 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và là thành viên của một hiệp hội các nhà tính toán bảo hiểm được quốc tế thừa nhận rộng rãi…; là người lao động tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe; cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm….

Chuyên gia tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm ngoài việc tính toán dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết hay tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh, nhưng chưa thông báo…, còn phải tính toán để cho ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu khách hàng nhưng vẫn đảm an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thực tế, vì đặc thù riêng, các công ty bảo hiểm nhân thọ ra sản phẩm mới liên tục (thường là 4 - 6 tháng có một sản phẩm mới) nên với khối nhân thọ, vai trò của các chuyên gia tính toán vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, khối này, không kể doanh nghiệp bảo hiểm lớn hay nhỏ, đều rất chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo chuyên gia tính toán. Và các chuyên gia tính toán chính của khối nhân thọ đều là người có bằng định phí theo tiêu chuẩn quốc tế, thế nên việc đáp ứng quy định mới về chuẩn chuyên gia tính toán không phải là vấn đề lớn của các doanh nghiệp khối này.

Không chỉ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mới theo Nghị định 73, mà hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã và đang đào tạo lực lượng actuary người Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn trên, nên trong tương lai cũng không lo thiếu hụt Appointed Actuary.

Thực tế, đối với khối nhân thọ, ngoài việc tự đào tạo các chuyên gia tính toán để bù đắp nguồn nhân lực cấp cao luôn thiếu hụt vì sự dịch chuyển liên tục trên cùng thị trường, các doanh nghiệp khối này cũng luôn tập trung và ưu tiên cho việc đào tạo, huấn luyện, tạo cho nhân viên nhiều cơ hội phát triển năng lực, chuyên môn để đảm nhiệm nhiều trọng trách hơn. Việc đào tạo và phát triển nhân sự từ nội tại không chỉ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung kịp thời nhân sự khi thị trường có biến động nhân sự cấp cao, mà còn nhân viên thêm gắn bó với công ty.

Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng có rất nhiều biến động về nhân sự cấp cao, nhưng vì đã có sự chuẩn bị trước nên hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều không bị rơi vào thế bị động như những năm trước. CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, việc nhân viên chuyển việc là khó tránh, nên công ty không ngừng đào tạo. Và tất nhiên, trong chiến lược phát triển thì vấn đề làm sao để nhân viên gắn bó với công ty sẽ luôn là ưu tiên số 1.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục