Bảo hiểm nhân thọ hướng tới khách hàng hưu trí

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến tháng 12/2009, số người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động là hơn 2 triệu người, trong đó hưởng lương hưu là 1,73 triệu người.
Các sản phẩm bảo hiểm hưu trí có thể sẽ bùng nổ trong vòng 3 - 5 năm tới - Ảnh: Hoài Nam Các sản phẩm bảo hiểm hưu trí có thể sẽ bùng nổ trong vòng 3 - 5 năm tới - Ảnh: Hoài Nam

So với người trong độ tuổi hưởng hưu trí trong cả nước, người được thụ hưởng lương hưu chiếm 22%, còn lại 78% tự lo liệu cuộc sống khi hết tuổi lao động. Dự kiến, khi số người tham gia BHXH tăng dần và cơ bản bao phủ đến tất cả mọi người trong độ tuổi lao động (hiện nay mới bao phủ trên 20%), thì số người hưởng lương hưu cũng tăng tương ứng. Do đó, nhiều DN bảo hiểm nhân thọ đang hướng đến đối tượng khách hàng này.

Theo đánh giá của BHXH, với đối tượng người được hưởng chế độ hưu trí hiện nay, về cơ bản,lương hưu bản đảm bảo được cuộc sống ở mức trung bình. Tuy nhiên, để nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu trong mọi lĩnh vực, đảm bảo cho họ thực sự được nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già sau cả cuộc đời làm việc là điều cần nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện để có chính sách phù hợp hơn đối với Việt Nam trong tương lai.

Hiện tại, vấn đề phát triển chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung vẫn còn tương đối mới mẻ đối với Việt Nam, trong khi đã được áp dụng thành công tại châu Âu và các nước có nền kinh tế phát triển trong nhiều năm. Mặc dù vậy, ngoài các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, lượng người nghỉ hưu ngày càng lớn khiến thị trường bảo hiểm hưu trí được nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ nhắm tới, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt dành cho đối tượng khách hàng này. Thực tế, tại thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, sản phẩm bảo hiểm được thiết kế chuyên biệt cho tuổi hưu không nhiều. Do đó, để có thể tiết kiệm cho những ngày tháng hưu trí của mình, người tham gia bảo hiểm thường chọn thay thế bằng các sản phẩm như bảo hiểm tiền mặt định kỳ, bảo hiểm niên kim và bảo hiểm liên kết chung.

Các sản phẩm liên quan đến vấn đề hưu trí cho người dân hiện đã được ACE Life, Prudential, Dai-ichi Life Việt Nam, AIA Việt Nam triển khai. Nhằm hướng đến một sản phẩm chuyên biệt dành cho đối tượng khách hàng đang chuẩn bị tốt nhất cho kỳ hưu trí của mình, đầu tháng 7/2010, Công ty Korea Life Vietnam chính thức ra mắt sản phẩm An khang Hưu trí toàn diện - thuộc dòng bảo hiểm hỗn hợp.

Trước đó, trao đổi với ĐTCK, nguyên Tổng giám đốc Công ty Manulife Việt Nam, ông David Wong đã nhận định, sản phẩm dành cho vấn đề hưu trí của người dân Việt Nam dư địa vẫn còn rất rộng lớn và Manulife Việt Nam đang nghiên cứu để sớm đưa ra thị trường những sản phẩm thích hợp với phân khúc này.

Được biết, trong tháng 6/2010, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Bảo hiểm Malakoff Médéric của Pháp để bàn về các vấn đề bảo hiểm, trong đó có vấn đề bảo hiểm hưu trí mở rộng. Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đại diện Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn này. Theo đó, trong năm 2010, Tập đoàn Malakoff Médéric sẽ hỗ trợ Việt Nam 50.000 USD để tổ chức cho lãnh đạo các đơn vị có liên quan đi thăm quan, học hỏi mô hình bảo hiểm hưu trí ở Pháp; sau đó tổ chức điều tra nhu cầu của người dân tại Hà Nội và TP. HCM.

Đại diện Tập đoàn Malakoff Médéric cho biết, hiện nay, có rất nhiều người Pháp gốc Việt muốn trở về Việt Nam an hưởng tuổi già. Do đó, Tập đoàn sẽ xin Chính phủ Pháp cho mở văn phòng đại diện ở Việt Nam để làm tốt công tác chi trả cho nhóm đối tượng này.

Theo ông David Wong, thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ rất cần những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên quan đến vấn đề hưu trí. Thậm chí, những sản phẩm bảo hiểm dành cho vấn đề này có thể sẽ bùng nổ trong vòng 3 - 5 năm tới. Tuy nhiên, hiện có một số trở ngại cho các công ty bảo hiểm nhân thọ khi muốn phát triển sản phẩm này. Đó là Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ và chính xác về tuổi thọ của người dân. Các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn phải dựa chủ yếu vào số liệu của các tổ chức nước ngoài.     

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục