Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Ưu đãi thuế quyết định

(ĐTCK) Các chuyên gia nước ngoài đã có nhiều góp ý về bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức ngày 24/4, tập trung vào việc cơ quan quản lý cần “khởi động” an toàn cho sản phẩm mới này.
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Ưu đãi thuế quyết định

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Ưu đãi thuế quyết định ảnh 1Bảo hiểm hưu trí tự nguyện cần có chính sách ưu đãi thuế

 

Cần nhiều ưu đãi

Tất cả các ý kiến đều nhấn mạnh vào việc phải có nhiều chính sách ưu đãi, chủ yếu là ưu đãi thuế, để thu hút người lao động tham gia hưu trí tự nguyện trong giai đoạn đầu. Ông Tim Fassan, Giám đốc đối ngoại Prudential Anh và châu Âu khuyến nghị, Việt Nam cần có các văn bản pháp luật tạo điều kiện tích lũy cho mục tiêu hưu trí, đồng thời có các ưu đãi về thuế, có lợi cho cả cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trong giai đoạn đầu triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện để đạt được sự tham gia đủ lớn.

Hiện nay, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện và triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí của Bộ Tài chính dự kiến khấu trừ 1 triệu đồng/tháng số phí đóng góp ra khỏi thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Về phía chủ sử dụng lao động, phần phí đóng góp cho người lao động cũng sẽ được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện Manulife đặt câu hỏi, liệu mức ưu đãi này đã đủ hấp dẫn? Tại Trung Quốc, phần đóng góp được giảm thuế lên đến 5.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 750 USD). Tại Hồng Kông, nơi mặt bằng thuế nói chung thấp, người lao động được miễn thuế đối với quyền lợi được nhận từ hưu trí tự nguyện.

Ông Atsushi Tachibana, Giám đốc Kinh doanh bảo hiểm hưu trí nhóm Dai-ichi Nhân thọ chia sẻ, sự thành công của bảo hiểm hưu trí tự nguyện ở Nhật Bản là tổng hòa các yếu tố quan trọng gồm: chính phủ ưu đãi thuế đối với hưu trí tự nguyện, khách hàng nhận thức được rủi ro khi tuổi thọ kéo dài nên tăng chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về hưu, công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và giảm thiểu rủi ro đầu tư, cả chính phủ và công ty bảo hiểm cùng phát triển nhu cầu khách hàng bằng các chương trình huấn luyện kết hợp với các chính sách đãi ngộ.

“Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, do tính chất tự nguyện của việc tham gia đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện, điều quan trọng là cần phải có các chính sách ưu đãi thuế phù hợp với các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Mức độ tham gia càng cao thì sẽ càng tốt cho hưu trí trong tương lai”, ông Desmond Chan, Giám đốc chiến lược hưu trí, Bộ phận giải pháp doanh nghiệp Tập đoàn AIA nói.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Ưu đãi thuế quyết định ảnh 2Việt Nam hiện có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

 

Chọn mô hình đơn giản

Các ý kiến đều ủng hộ cho hướng lựa chọn mô hình chính để triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung của Bộ Tài chính. Hiện Bộ Tài chính đang đưa ra khung pháp lý dựa trên mô hình “cơ sở hợp đồng (policy based)” thay vì mô hình “ủy thác (trust based)”. Mô hình ủy thác gồm nhiều bên tham gia và phụ thuộc rất lớn vào sự kết nối giữa các bên, cùng với tính đầu tư dài hạn chuyên nghiệp, nên được cho là chỉ phù hợp với các nước có thị trường tài chính phát triển và có công cụ phòng vệ (hedging) đầu tư phù hợp. Còn mô hình cơ sở hợp đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế các sản phẩm bảo hiểm hưu trí khác nhau và cá nhân sẽ tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí do doanh nghiệp bảo hiểm quản lý, được cho là phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam .

Ông Desmond Chan thậm chí khuyến nghị Việt Nam trong giai đoạn đầu nên xây dựng hệ thống hưu trí tự nguyện “càng đơn giản càng tốt”. Trong giai đoạn đầu, cơ chế hưu trí dựa trên một nhà cung cấp sẽ dễ dàng được giám sát và quản lý hơn, vì không mất thời gian để dung hòa lợi ích cho tất cả các bên.

Để đảm bảo khả năng chi trả trong dài hạn cho Quỹ hưu trí tự nguyện khi mà tuổi thọ của người dân ngày càng được kéo dài, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam đi theo mô hình có mức đóng góp định sẵn (DC), thay vì mô hình có mức quyền lợi định sẵn (DB), nhằm tránh tình trạng nhà bảo hiểm mất khả năng thanh toán do không cân đối được thu - chi. Việc chuyển sang mô hình DC cũng là xu hướng đã diễn ra rõ rệt trên thế giới.

Ông Atsushi cho biết, tại Nhật Bản, vì thời gian hợp đồng dài nên lãi suất dự định sẽ được thay đổi sau một kỳ hạn nhất định (ví dụ 5 năm). Nếu kết quả đầu tư không đạt được lãi suất dự định, công ty bảo hiểm sẽ bù vào chỗ thiếu hụt. Tuy nhiên, nhờ vào việc lãi suất dự định được điều chỉnh theo mặt bằng lãi suất nên rủi ro lỗ ngược có thể được kiểm soát. Các nhà bảo hiểm Nhật Bản đã thành công trong việc tách biệt nhóm sản phẩm mới (sản phẩm hưu trí) với sản phẩm hiện có và quản lý rất chi tiết, trên cơ sở đó nhà bảo hiểm giảm thiểu tối đa rủi ro giảm giá của tài sản so với nợ (Assets - Liabilities Matching) bằng cách mua tài sản phù hợp với dòng tiền nợ (có thể là trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ) vào mỗi thời điểm gia hạn hợp đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm khi mới triển khai sản phẩm sẽ chưa thể có tăng trưởng và khó bù đắp được sự dao động của thị trường. Đặc biệt, trong điều kiện thị trường chứng khoán như hiện nay, nguy cơ khiếu nại về kết quả đầu tư “âm” là không tránh khỏi trong những năm đầu triển khai. Vì vậy, kết quả đầu tư âm trong một năm có thể cần được Chính phủ hỗ trợ bù lỗ.

“Ở giai đoạn khởi động hệ thống, niềm tin vào hệ thống từ phía người lao động, xã hội là rất quan trọng”, ông Chan nói.

 

Nhiều yếu tố cần cân nhắc

Theo ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, tại Trung Quốc, mặc dù bảo hiểm hưu trí đã có những bước phát triển nhất định, nhưng vẫn có một số vấn đề mà các nhà quản lý Trung Quốc hiện chưa giải quyết được. Ví dụ: quyền lợi bảo hiểm sẽ như thế nào khi một người đổi công ty, hoặc nghỉ việc, hoặc được điều chuyển công tác đến thành phố khác? Có nên cho người tham gia nhận quyền lợi sớm không nếu họ vẫn còn khỏe mạnh? Tỷ lệ thuế ở thời điểm nhận quyền lợi là bao nhiêu và ai làm nhiệm vụ khấu trừ thuế, khi mà hiện nay hầu hết mọi người không nộp báo cáo thuế thu nhập? Ngoài ra, có những vấn đề kỹ thuật như mức trần chi phí thấp khiến việc phân phối hiệu quả đến nhà tuyển dụng nhỏ trở nên khó khăn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều nhà bảo hiểm và công ty quản lý quỹ cho rằng, dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu về điều kiện tham gia đối với nhà bảo hiểm và yêu cầu đầu tư đối với quỹ là quá chặt, khiến họ khó có thể đáp ứng.

Tại hội thảo, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phát biểu, việc tham gia thực hiện bảo hiểm hưu trí là công việc đòi hỏi yêu cầu cao mà không nhiều nhà bảo hiểm có thể đáp ứng ngay.

“Mục đích của chúng tôi đối với sản phẩm này là sự ổn định trong một thời gian dài để tránh tiêu cực”, ông Tuấn nói. “Sau này, khi phát triển các sản phẩm khác, có thể sẽ có quy định mở, tùy vào sự phát triển của sản phẩm”.

Hiện Việt Nam đang có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tập trung vào một quỹ duy nhất do Nhà nước quản lý. Thu nhập của người dân trong thời gian gần đây cao hơn và cơ cấu dân số Việt Nam sẽ già đi trong 50 năm nữa sẽ dẫn đến gánh nặng trách nhiệm của Nhà nước nặng nề hơn.

Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo rằng, các nhà làm chính sách không kỳ vọng sản phẩm bảo hiểm hưu trí phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, mà là đang khởi đầu với tầm nhìn 5 - 10 năm tới, sản phẩm này sẽ có ý nghĩa với nền kinh tế.        

Kim Lan - Hải Linh
Kim Lan - Hải Linh

Tin cùng chuyên mục