Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, ném đá dò đường

(ĐTCK) Cơ chế chính sách đã và đang được ban hành, tiềm năng rất lớn với một cơ cấu dân số vàng, nhưng với sự bỡ ngỡ của các DN và cả cơ quan quản lý, loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn… ném đá dò đường.
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, ném đá dò đường

Sau nhiều lần cập nhật và sửa đổi, Dự thảo Thông tư bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng về mặt kỹ thuật. Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo thông tư này hiện cũng đang yêu cầu các DN bảo hiểm gửi gấp ý kiến đóng góp cho bản dự thảo mới nhất. Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành trước ngày 1/7/2013, thời điểm Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.           

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, ném đá dò đường ảnh 1

Không kỳ vọng phát triển nhanh

Hiện tại, có hai  mô hình chính để triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung là mô hình ủy thác (Trust based) và mô hình trên cơ sở hợp đồng (Policy based). Ưu điểm của mô hình ủy thác là tính độc lập. DN tham gia chương trình hưu trí chủ động trong việc thiết kế và lựa chọn tổ chức nhận ủy thác chương trình hưu trí. Tuy nhiên, việc quản lý các chương trình hưu trí theo mô hình này khá phức tạp. Kết quả của quỹ hưu trí phụ thuộc rất lớn vào sự kết nối và phối hợp giữa các bên tham gia cũng như tính chuyên nghiệp trong đầu tư dài hạn của tổ chức nhận ủy thác và các bên có liên quan. Việc tổ chức nhận uỷ thác chạy theo các danh mục đầu tư có lãi suất cao trong ngắn hạn để thu hút người tham gia có thể dẫn đến rủi ro cao, không đảm bảo tính bền vững trong dài hạn của quỹ hưu trí... Tại Việt Nam , chưa có đủ các điều kiện cần thiết để có thể triển khai tốt mô hình trên.

Còn với mô hình trên cơ sở hợp đồng: DN bảo hiểm sẽ thiết kế các sản phẩm bảo hiểm hưu trí khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Với mô hình này, mỗi cá nhân sẽ tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí do DN bảo hiểm quản lý. Mô hình này có ưu điểm là tận dụng được kinh nghiệm lâu năm của các DN bảo hiểm nhân thọ trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn và tính chất tương tự như bảo hiểm hưu trí (phần lớn các sản phẩm có thời hạn trọn đời), kinh nghiệm quản lý và đầu tư dài hạn, đội ngũ chuyên gia tính toán (actuary) được đào tạo chuyên sâu và mạng lưới đại lý bảo hiểm rộng khắp trên phạm vi cả nước. Nhược điểm chủ yếu của mô hình này là chi phí khai thác trong năm đầu tiên sẽ cao hơn do sử dụng đại lý bảo hiểm để cung cấp bảo hiểm đến từng cá nhân tham gia. Tuy nhiên, trong các năm tiếp theo, khoản chi phí này sẽ giảm xuống rất thấp và được bù đắp bởi kết quả đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là có những cam kết nhất định. Hiện Bộ Tài chính đang đưa ra khung pháp lý dựa trên mô hình “cơ sở hợp đồng (policy based)” thay vì mô hình “ủy thác (trust based)”. Phương án này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, xét về phương diện pháp lý, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã cho phép các DN bảo hiểm được triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện và nghị định của Chính phủ cũng đã có quy định cụ thể về sản phẩm này. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có cơ chế và phải thiết kế sản phẩm bảo hiểm  sao cho phù hợp với điều kiện bối cảnh của Việt Nam, cũng như phải đảm bảo hiệu quả của sản phẩm này đối với các DN bảo hiểm.

Được biết, đối với việc xây dựng Dự thảo Thông tư bảo hiểm hưu trí tự nguyện, sau khi tổng hợp các ý kiến từ nhiều phía liên quan, Bộ Tài chính thấy rằng, người lao động thì muốn quyền lợi nhiều hơn, chi phí ít hơn, còn DN bảo hiểm tham gia thì muốn rủi ro ít đi, điều kiện cũng thấp hơn một chút… Nhiều ý kiến của cả các DN bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ cho rằng, nhiều điểm trong Dự thảo Thông tư quy định quá chặt chẽ, sẽ khiến DN triển khai gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, nhiều DN cũng muốn tham gia bảo hiểm hưu trí nhưng thực tế thì làm được sản phẩm này đòi hỏi yêu cầu rất cao, chính vì vậy sẽ không có nhiều DN có thể đáp ứng được ngay lập tức.

“Ngay bây giờ, với điều kiện về vốn tối thiểu thì chỉ có 5 DN đáp ứng được”, một quan chức Bộ Tài chính nói và cho biết thêm, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một sản phẩm mới của Việt Nam nên những người làm chính sách cũng không quá kỳ vọng trong thời gian ngắn, sản phẩm này sẽ phát triển nhanh. Sau này, tùy vào sự phát triển của sản phẩm thì sẽ có những quy định mở. Hiện nay, Bộ vẫn đang tiếp tục tập hợp các ý kiến góp ý để đưa ra một thông tư chuẩn nhất.

 

Cần có những ưu đãi về thuế

Chia sẻ tại một hội thảo về bảo hiểm hưu trí tự nguyện do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Desmond Chan, Giám đốc chiến lược hưu trí - Bộ phận Giải pháp DN Tập đoàn AIA cho rằng, do tính chất tự nguyện của việc tham gia và đóng góp vào quỹ hưu trí, điều quan trọng là cần phải có các chính sách ưu đãi thuế phù hợp đối với các khoản đóng góp của người lao động và sử dụng lao động.

“Cần nhắm tới việc động viên người lao động đăng ký tham gia, cũng như đóng góp lâu dài. Bởi vì mức độ tham gia càng cao thì sẽ càng tốt cho chế độ hưu trí trong tương lai”, ông Desmond Chan chia sẻ. Để triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, theo ông Desmond Chan, Việt Nam nên xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí tự nguyện càng đơn giản càng tốt. Bởi cấu trúc phức tạp hơn chỉ có thể bảo đảm được nếu là hệ thống bắt buộc khi trách nhiệm của Chính phủ đóng vai trò chủ đạo.

Còn theo ông Tim Fassam, Giám đốc đối ngoại, Tập đoàn Prudential (Anh Quốc), Việt Nam có cơ hội cũng như khả năng để đầu tư vào bảo hiểm hưu trí, tuy nhiên trong giai đoạn khởi đầu của sản phẩm này, ngoài việc xây dựng các văn bản pháp luật tạo điều kiện tích cực cho mục tiêu hưu trí và phát triển các sản phẩm phù hợp, Nhà nước cũng nên có những chính sách thuế có lợi cho cả cá nhân cũng như các DN đầu tư vào sản phẩm này.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc, ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cũng chia sẻ những vấn đề phát triển bảo hiểm hưu trí mà thị trường này gặp phải. Chẳng hạn như quyền lợi bảo hiểm sẽ được giải quyết thế nào khi một người đổi công ty, hoặc nghỉ việc hay được điều chuyển công tác đến thành phố khác? Có nên cho người tham gia nhận quyền lợi sớm không nếu họ vẫn còn khỏe mạnh, ví dụ như để mua một căn hộ? Tỷ lệ thuế ở thời điểm nhận quyền lợi là bao nhiêu và ai làm nhiệm vụ khấu trừ thuế, khi mà hiện nay hầu hết mọi người không nộp báo cáo thuế thu nhập? Ngoài ra, có những vấn đề kỹ thuật như mức trần chi phí thấp khiến việc phân phối hiệu quả đến nhà tuyển dụng nhỏ trở nên khó khăn… Đây cũng là những vấn đề rất đáng lưu tâm cho Việt Nam khi phát triển sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.       

 

Việt Nam là một nước có mật độ dân số lớn và tốc độ phát triển dân số nhanh. Hiện nay, dân số nước ta là hơn 88 triệu người. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, dân số Việt Nam đang ở đầu thời kỳ dân số vàng, với hơn 50 triệu dân số đang trong độ tuổi lao động. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ và sức khoẻ của người dân ngày càng tăng lên. Từ đó, sự cần thiết phải có các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu được chăm lo các điều kiện cá nhân của người dân ngày càng cao.  

Tuy nhiên, theo quy luật về nhân chủng học của tất cả các quốc gia, đó là sau thời kỳ dân số vàng, sẽ chuyển sang giai đoạn già hoá dân số. Do vậy, ở bất kỳ quốc gia nào, bên cạnh sự bảo trợ của nhà nước thông qua chương trình bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm hưu trí bắt buộc, luôn có bảo hiểm hưu trí bổ sung để đáp ứng tối đa nhu cầu chăm sóc người dân khi đến tuổi về hưu, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Lan Chi
Lan Chi

Tin cùng chuyên mục