Bảo hiểm hưu trí, nghịch lý không muốn bán nhiều!

(ĐTCK) Tuổi thọ tăng, dân số già hóa và nguồn lực tài chính hạn chế đối với các chương trình phúc lợi hưu trí công, đồng nghĩa với nhu cầu có một thị trường bảo hiểm tuổi thọ vững mạnh.
Bảo hiểm hưu trí, nghịch lý không muốn bán nhiều!

Bảo hiểm hưu trí, nghịch lý không muốn bán nhiều! ảnh 1Đa phần người lao động vẫn thờ ơ với loại hình bảo hiểm hưu trí

 

Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa phát triển ở Việt Nam, bởi cả 2 nguyên nhân: các cá nhân không có hứng thú mua sản phẩm bảo hiểm rủi ro tuổi thọ và các nhà bảo hiểm cũng không mặn mà với việc cung cấp sản phẩm này.

Đối với người dân, ai trong cuộc đời cũng đã đôi lần có giấc mơ êm đềm về những năm tháng nghỉ ngơi sau khi đã cống hiến gần hết cuộc đời cho gia đình và sự nghiệp. Gác lại những bộn bề lo toan để tận hưởng cuộc sống khi về hưu - một cuộc sống vui, khỏe và độc lập về tài chính. Tuy nhiên, muốn tuổi già thực sự an nhàn như vậy thì phải có một kế hoạch tài chính ngay từ khi còn trẻ. Nhưng thực tế, đa số người dân Việt Nam chưa có thói quen lập kế hoạch tài chính cho từng giai đoạn sống. Ngoài lương hưu đối với cán bộ - công nhân viên, thì tuổi già dựa vào con cháu vẫn là suy nghĩ của số đông người dân. Điều này lý giải tại sao bảo hiểm hưu trí vẫn bị thờ ơ.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có những khó khăn nhất định, bởi việc định phí cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói chung và sản phẩm bảo hiểm hưu trí ở thị trường Việt Nam là không có nhiều số liệu mang tính lịch sử, vì sản phẩm chưa phát triển. Các chuyên gia tính toán thường phải tìm số liệu từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển tương ứng để xác định phí cho khách hàng ở thị trường Việt Nam . Việc tính phí dựa trên những số liệu như vậy có thể tạo ra rủi ro nhất định cho các công ty bảo hiểm, nhất là khi tuổi thọ của người dân Việt Nam đang ngày càng tăng.

Hiện tại, hầu như công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng có sản phẩm bảo hiểm hưu trí ở 1 trong 3 dạng: niên kim (chỉ một vài công ty có), hỗn hợp (công ty nào cũng có) và UL (nhiều công ty có). Về lý thuyết, sản phẩm niên kim (trả tiền lương hưu hàng năm) có 2 dạng: trả tiền trong một thời gian cố định hoặc trả tiền trọn đời. Ở hình thức đầu, người tham gia bảo hiểm có thể chọn nhận quyền lợi trong thời gian 10, 15, 20 năm. Nếu họ qua đời sớm thì người thân sẽ được nhận số tiền họ chưa nhận. Nếu họ sống thọ thì sẽ không có thu nhập ở cuối đời. Ở hình thức sau, người tham gia bảo hiểm sẽ được nhận tiền cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, nếu họ qua đời sớm thì người thân sẽ không nhận được gì.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã từng có một công ty bảo hiểm chỉ bán sản phẩm niên kim dạng thời hạn cố định và bán cũng khá tốt, nhưng lại không muốn bán nhiều. Lý do không chỉ vì thiếu thống kê về tuổi thọ, mà vì sự không chắc chắn về lãi suất đầu tư trong tương lai. Giả định về lãi suất đầu tư mang tính quyết định đối với khả năng sinh lợi của sản phẩm. Trong khi đó, các công ty chỉ có thể đầu tư ở Việt Nam, mà các sản phẩm đầu tư dài hạn có lãi suất đảm bảo cao như trái phiếu chính phủ không có nhiều, nên các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa dám triển khai sản phẩm này.

Thực tế, rủi ro tuổi thọ không chỉ là vấn đề của thị trường bảo hiểm Việt Nam , bởi ngay cả ở những nước có nền kinh tế phát triển thì việc quản lý rủi ro này cũng không phải dễ dàng. Theo các chuyên gia về bảo hiểm, rủi ro tử vong có thể ảnh hưởng đến hệ thống, vì khi tỷ lệ tử vong được cải thiện, việc chi trả bảo hiểm có thể tăng cao. Cũng có một số vấn đề khác gây trở ngại cho tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm ngày càng quan trọng này. Những cản trở về mặt cầu bao gồm lựa chọn ngược (khiến cho giá tăng quá cao so với khả năng của khách hàng), động cơ thừa kế và kế hoạch tài chính nghèo nàn, đặc biệt là sự lưỡng lự khi lên kế hoạch cho năm tài chính và mong muốn duy trì sự linh hoạt về tài chính cho những chi tiêu có thể có trong tương lai. Những rào cản thị trường khác bao gồm: thiếu hiểu biết về rủi ro tuổi thọ và về những sản phẩm bảo hiểm rủi ro này, không tham gia bảo hiểm trả tiền định kỳ và không tin tưởng vào bảo hiểm. Còn những cản trở về mặt cung bao gồm: tỷ lệ tử vong tương lai không chắc chắn, lợi nhuận từ đầu tư, lãi suất và lạm phát khó dự đoán.

Giải pháp để giải quyết vấn đề được các chuyên gia đưa ra là đa dạng hóa thiết kế sản phẩm, phát triển “thị trường tuổi thọ” và tác động của Chính phủ. Một vài nền kinh tế phát triển như Anh, Mỹ đang tích cực áp dụng hướng đi này.

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục