Bảo hiểm hưu trí, 2 loại hình và sự băn khoăn trùng lặp

(ĐTCK) Trong khi trên thị trường đang hiện hữu sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện được cung cấp bởi các DNBH nhân thọ, dưới sự quản lý của Bộ Tài chính thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại được Chính phủ chỉ định xây dựng Dự thảo Nghị định về sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung. 
Hội thảo “Hưu trí Việt Nam: Thách thức và cơ hội” nêu lên quan điểm cần sự nỗ lực trong hợp tác công,tư đối với bảo hiểm hưu trí
Hội thảo “Hưu trí Việt Nam: Thách thức và cơ hội” nêu lên quan điểm cần sự nỗ lực trong hợp tác công,tư đối với bảo hiểm hưu trí

Việc cho ra đời cùng lúc 2 sản phẩm bảo hiểm kể trên đặt ra câu hỏi liệu có sự trùng lặp, dẫn đến việc gặp khó khi triển khai song hành cả 2 sản phẩm. 

Không ngại trùng lặp

Trả lời câu hỏi của ĐTCK tại Hội thảo “Hưu trí Việt Nam: Thách thức và cơ hội”, rằng liệu có sự trùng lặp trong triển khai đồng thời 2 sản phẩm hưu trí hay không, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết, tại thời điểm này chưa thể khẳng định rõ liệu có sự trùng lặp trong triển khai đồng thời 2 sản phẩm, cũng như chưa thể chỉ hết sự khác biệt giữa 2 loại hình bảo hiểm hưu trí kể trên vì đang trong quá trình dự thảo, chưa tổ chức xin ý kiến. Tuy nhiên, theo bà Nga, giả sử có trùng lặp thì Chính Phủ có thể cân nhắc nghiên cứu.

Trong hội thảo này, vị đứng đầu Vụ Bảo hiểm xã hội đã chỉ ra một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại hình sản phẩm hưu trí.

“Ngoài những điểm giống, có một số điểm khác biệt giữa 2 sản phẩm bảo hiểm hưu trí kể trên, chẳng hạn, mỗi loại sản phẩm đều hướng tới một nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Theo đó, đối tượng khách hàng của sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung hẹp hơn nhiều so với sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Cần nhắc lại, sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung là nhằm bổ sung phần lương hưu cho nhóm đối tượng khách hàng đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong khi, đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đối tượng khách hàng tham gia rộng hơn nhiều, có thể quy tụ mọi người dân tham gia”, bà Nga nói.

Bà Nga cũng nhấn mạnh, sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách lần đầu tiên có mặt trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, hiện đang được Ban soạn thảo khai thác, tận dụng lợi thế ưu đãi của bảo hiểm xã hội, cũng như vai trò của Nhà nước để đưa vào Dự thảo Nghị định bảo hiểm hưu trí bổ sung. 

Cần hợp tác đưa ra giải pháp bảo hiểm công tư

Tại Việt Nam, trong khi Chính phủ đang có những giải pháp công (về bảo hiểm hưu trí bổ sung) thì trên thị trường, các DNBH cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tư hữu ích (bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bởi hơn lúc nào hết, tương lai hưu trí đang đặc biệt được quan tâm.

Theo thống kê từ Viện Lão hóa toàn cầu, có 50% số người được hỏi ở Trung Quốc và tới 95% số người được được hỏi ở Việt Nam bày tỏ nỗi lo lắng không đủ tiền sinh sống khi về hưu. Bởi vậy, nỗ lực cải thiện kế hoạch hưu trí cá nhân đang được đặt ra. Đa số người Việt được hỏi đồng ý với các sáng kiến mới của Chính phủ nhằm khuyến khích hoặc yêu cầu người lao động tiết kiệm nhiều hơn cho họ khi về hưu. Theo đó, giải pháp an sinh hưu trí hữu hiệu từ mua bảo hiểm và quản lý tài sản nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. 25% số người được hỏi hy vọng khi về hưu có thu nhập từ các sản phẩm bảo hiểm, niên kim, cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tương hỗ.

Về giải pháp bảo hiểm tư, số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, 8 tháng đầu năm, có 13.118 người đã mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện của 4 DNBH (bao gồm AIA Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam, Manulife Việt Nam và PVI Sunlife), đạt tổng doanh thu phí 254,1 tỷ đồng. Hiện nay, Prudential và Bảo Việt Nhân thọ đã gửi Bộ Tài chính hồ sơ triển khai nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí.

Trong bối cảnh trên, quan điểm được thống nhất từ Hội thảo là cần một nỗ lực trong hợp tác công tư đối với loại sản phẩm bảo hiểm này.

“Để bảo đảm an sinh hưu trí cho người cao tuổi, cần có các giải pháp công, tư kết hợp. Lĩnh vực bảo hiểm và quản lý tài sản đóng vai trò quan trọng làm giảm áp lực lên ngân sách của Chính phủ khi dân số đang già hóa”, ông Donald Kanak, Chủ tịch Prudential châu Á nói.

Trong hội thảo, bà Nga đã bày tỏ mong muốn phía Prudential, trong vai trò là DN cung cấp giải pháp bảo hiểm tư sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đưa ra những góp ý cụ thể giúp Ban soạn thảo bảo hiểm hưu trí bổ sung hoàn tất Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo kế hoạch vào tháng 11/2015.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục