Gấp rút hỗ trợ bảo hiểm xã hội trước tác động của Covid-19

(ĐTCK) Trước tình trạng dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, bên cạnh những ưu đãi về thuế, vốn tín dụng…, doanh nghiệp còn được hỗ trợ thêm về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), dịch vụ công.
Doanh nghiệp được hỗ trợ thêm về chế độ BHXH, dịch vụ công trong mùa dịch. Doanh nghiệp được hỗ trợ thêm về chế độ BHXH, dịch vụ công trong mùa dịch.

Ðơn cử, BHXH Việt Nam mới có công văn hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, chỉ các doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19 (không kể giá trị tài sản là đất) mới được áp dụng chính sách này”, đại diện BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Về việc tạm dừng đóng chỉ áp dụng đối với khoản đóng quỹ hưu trí và tử tuất, vị đại diện trên cho biết, thời hạn tạm dừng đóng đến tháng 6/2020 và không tính lãi theo quy định.

Trong thời gian tạm dừng đóng, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch (trong trường hợp doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm).

“Nếu đến hết tháng 6 mà dịch Covid-19 chưa được khống chế và doanh nghiệp có đề nghị thì cơ quan BHXH các địa phương báo cáo để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020”, vị đại diện trên thông tin thêm.

Ðáng chú ý, theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến sẽ phát sinh 25.000-50.000 tỷ đồng do tạm dừng đóng, miễn lãi chậm đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho khoảng 1,5-3 triệu lao động, tương ứng với 105.000-211.000 doanh nghiệp.

Ngoài chế độ bảo hiểm, Chính phủ còn phê duyệt danh mục 65 dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoàn cảnh cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh (đã bao gồm dịch vụ nộp tiền đóng BHXH tự nguyên và bảo hiểm y tế).

Ðược biết, từ 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến ban đầu, đến giữa tháng 3/2020, đã có 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ này. Tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng dịch vụ công quốc gia tính đến 13/3/2020 là trên 13.000 hồ sơ.

Tình hình dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Các chính sách hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi khi dịch bệnh qua đi. Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định.

Lãnh đạo CTCP Máy và thiết bị dầu khí PV Machino cho biết, Công ty đã nắm được thông tin hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách liên quan tới BHXH, nhưng hiện Công ty chưa đề xuất hỗ trợ bởi người lao động vẫn được đảm bảo việc làm đầy đủ.

Ðại diện CTCP Xi măng La Hiên cũng cho hay, mặc dù chịu ảnh hưởng phần nào từ dịch bệnh, nhưng công ăn, việc làm của cán bộ, nhân viên vẫn ổn định, không xuất hiện tình trạng phải cắt giảm lao động.

Một lãnh đạo CTCP May Phan Thiết chia sẻ, Công ty hiện có khoảng 3.000 công nhân làm việc trong 2 nhà máy. Hiện các nhà máy vẫn hoạt động bình thường, chưa có ảnh hưởng về doanh thu hay phải cho lao động tạm thời nghỉ việc vì dịch bệnh.

“Ngay từ khi bắt đầu có thông tin về dịch Covid-19, chúng tôi đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch trong nhà máy, trụ sở Công ty như kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, giờ ăn chia ca để giãn cách công nhân, công nhân không mang đồ ăn ngoài vào..., nên cơ bản mọi hoạt động diễn ra bình thường. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài đến năm, việc bị chịu tác động là khó tránh”, vị lãnh đạo này nói.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục