Đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số doanh nghiệp dược

(ĐTCK) Ngày 17/10, BHXH Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số doanh nghiệp Dược.
Đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số doanh nghiệp dược

Tại Hội nghị, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, trong những năm qua BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, Ban Ngành, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT tại Việt Nam; trong đó có chính sách pháp luật về thuốc.

BHXH Việt Nam đã tham gia vào tất cả quá trình đấu thầu thuốc cùng với ngành y tế, từ đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đấu thầu thuốc cấp địa phương và đấu thầu riêng tại cơ sở KCB, đã đóng góp tích cực vào kết quả kéo giảm giá thuốc tại Việt Nam những năm qua.

Hiện nay, BHXH cũng đang hoàn thiện bước cuối cùng để thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia đối với thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT.

Ông Sơn cũng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức việc lựa chọn, kiểm soát, sử dụng thuốc như: tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc còn cao, tình trạng lạm dụng thuốc đang diễn ra khá phổ biến, nhất là các nguồn thuốc bổ trợ, acid amin và đạm truyền; tình trạng kháng kháng sinh, lãng phí nguồn lực trong sử dụng thuốc...

Nguyên nhân được đánh giá là do danh mục thuốc quá rộng, ghi chép thông tin trong đấu thầu thuốc còn chưa đúng, việc lựa chọn xây dựng danh mục thuốc, giá kế hoạch chưa thật phù hợp, việc thanh toán chi phí thuốc còn chưa kịp thời, tạo thêm áp lực về lãi suất lên giá gốc...

Đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số doanh nghiệp dược ảnh 1

 Ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam 

Vấn đề trên đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện, các cơ sở KCB và của các doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu mua sắm đấu thầu thuốc chất lượng và giá cả hợp lý, lựa chọn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong điều trị, đảm bảo quyền lợi trong KCB và phù hợp với an toàn, hiệu quả trong điều trị, đảm bảo quyền lợi trong KCB và phù hợp với khả năng thanh toán của người dân; khả năng chi trả của quỹ BHYT và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp cung ứng thuốc gắn với phát triển bền vững.

Về phía Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam, Phó chủ tịch Trần Đức Chính cũng đánh giá cao thiện chí của BHXH Việt Nam khi thực hiện kí kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Hiệp hội, đồng thời tạo ra một cơ hội để doanh nghiệp Dược có thể đối thoại, nêu ra những khó khăn, vướng mắc tìm ra được hướng giải quyết phù hợp.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư Y tế (BHXH Việt Nam) báo cáo tóm tắt tình hình quản lý, cung ứng, thanh toán chi phí thuốc BHYT; Kế hoạch triển khai đấu thầu tập trung quốc gia đối với Danh mục thuốc do BHXH Việt Nam tổ chức thí điểm; bà Từ Nguyễn Linh – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (BHXH Việt Nam) thông tin về tình hình cấp ứng và thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2016-2017. 

Theo đó, chi phí thuốc BHYT các năm trước khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 chiếm khoảng 55 – 60% tổng chi phí KCB BHYT, những năm gần đây tỷ lệ chi cho thuốc có giảm trong cơ cấu chi phí. Năm 2016, tổng chi phí thuốc là trên 32.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43% tổng chi phí KCB BHYT.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp dược cũng phản ánh nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải. Đó là thị phần của doanh nghiệp dược trong nước vẫn “lép vế” nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài cả về số lượng và giá trị trong chi phí thuốc.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu, khả năng cung ứng thuốc... cũng đang làm khó các doanh nghiệp dược trong nước; thực trạng các hợp đồng đấu thầu thuốc hiện vẫn nghiêng nhiều về trách nhiệm của bên cung ứng, bất cập trong quá trình cung ứng; thời gian thanh toán; hồ sơ thanh toán phức tạp, dẫn đến doanh nghiệp Dược bị chậm thanh toán…
Chi phí thuốc BHYT các năm trước khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 chiếm khoảng 55 – 60% tổng chi phí KCB BHYT, những năm gần đây tỷ lệ này đã giảm. Năm 2016, tổng chi phí thuốc là trên 32.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43% tổng chi phí KCB BHYT.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị như minh bạch về mặt luật pháp, không tạo ra những rào cản vô lý trong đấu thầu thuốc, điều kiện các doanh nghiệp được tham gia đấu thầu, doanh mục hoạt chất rõ ràng; mở diễn đàn công khai cho các doanh nghiệp dược; có những chế tài phù hợp trong công tác đấu thầu; chất lượng hàng hoá liên quan đến giá cả…

Cùng với việc ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp để giải đáp, tháo gỡ vướng mắc và kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế, ông Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp Dược Việt Nam phải chủ động và quan tâm hơn nữa trong việc tiếp cận các thông tin, quy định trong lĩnh vực hoạt động của mình, tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế một cách hiệu quả.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục