Đầu thầu thuốc tập trung: Đảm bảo minh bạch, giá hợp lý

(ĐTCK) Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, qua thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung đã tiết kiệm được 251 tỷ đồng, tương đương 21,15% chi phí so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017.
Việc đấu thầu tập trung tạo điều kiện giảm giá thuốc, do nhà thầu tiết kiệm được nhiều chi phí khi không phải tham gia nhiều gói thầu đơn lẻ ở các địa phương Việc đấu thầu tập trung tạo điều kiện giảm giá thuốc, do nhà thầu tiết kiệm được nhiều chi phí khi không phải tham gia nhiều gói thầu đơn lẻ ở các địa phương

Vừa qua, BHXH Việt Nam đã thông tin về kết quả thí điểm đấu thầu tập trung cấp quốc gia một số thuốc chữa bệnh. Theo đó, việc đấu thầu tập trung thuốc được Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam thực hiện trong Nghị quyết 59/NQ-CP từ năm 2016. Nhưng phải đến cuối quý III/2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính mới thống nhất, phê duyệt danh sách các mặt hàng là thuốc chữa bệnh để tiến hành đấu thầu.

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và thanh toán bảo hiểm y tế phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, quá trình đấu thầu đã thực hiện đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, minh bạch, cạnh tranh công bằng và lựa chọn được các mặt hàng có chất lượng, giá hợp lý.

BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất.

Về số lượng hàng hóa gọi thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được xây dựng dựa trên đề xuất của các cơ sở y tế, mô hình bệnh tật và thực tế sử dụng từ năm trước, đồng thời được thẩm định tại các địa phương và sau đó là BHXH Việt Nam.

Về giá, BHXH Việt Nam đã sử dụng giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 làm cơ sở để lập kế hoạch đấu thầu. Theo đó, giá thuốc trong kế hoạch đấu thầu sẽ giảm từ 5-15% so với giá năm 2017 với 4 gói thầu, bao gồm 1 gói thầu thuốc biệt dược gốc và 3 gói thầu thuốc Generic theo 3 miền Bắc, Trung và Nam; hình thức đấu thầu 1 giai đoạn, 2 bộ hồ sơ gồm hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính.

Về quá trình thực hiện, BHXH Việt Nam đã đảm bảo thực hiện đúng các quy định về đấu thầu như đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, phát hành hồ sơ dự thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, mở hồ sơ đề xuất tài chính...

“Kết quả đấu thầu cho thấy hiệu quả rất khả quan, tổng giá trị của 20 mặt hàng thuốc là 935,99 tỷ đồng. So với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước, con số này đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng. Trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc Generic giảm 33,81%, thuốc Generic nhóm 1 giảm từ 27,3-42,8%, cá biệt có mặt hàng giảm tới 54,7%”, ông Dương Tuấn Đức cho biết.

Được biết, có 31 nhà thầu mua hồ sơ và có 15 nhà thầu trúng thầu. Hiện BHXH Việt Nam đã công bố kết quả trúng thầu và thương thảo hợp đồng, trong đó yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết có đủ khả năng cung ứng thuốc theo tiến độ mà các cơ sở y tế yêu cầu. Trong ngày 5/1 vừa qua, BHXH Việt Nam đã ký thỏa thuận khung với các nhà thầu.

Trước đó, tình trạng bất nhất trong đấu thầu giá thuốc ở các tỉnh/bệnh viện là rất phổ biến. Chẳng hạn, giá trúng thầu ba kích ở Quảng Nam là 388.000 đồng/kg, nhưng giá trúng thầu ở Bình Định là hơn 1,75 triệu đồng/kg; giá trúng thầu xuyên bối mẫu ở Lai Châu là 1,785 triệu đồng/kg, nhưng có nơi là hơn 3,665 triệu đồng/kg...

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc đấu thầu tập trung với khối lượng lớn, minh bạch tạo điều kiện giảm giá thuốc, do nhà thầu tiết kiệm được nhiều chi phí khi không phải tham gia nhiều gói thầu đơn lẻ ở các địa phương. Điều này có lợi cho người dân và cả cơ sở y tế.

Về chất lượng thuốc, ông Phạm Lương Sơn cho biết, các mặt hàng thuốc đã được chia theo các nhóm, với các tiêu chuẩn khác nhau và các thuốc trong cùng một nhóm phải đáp ứng một số tiêu chuẩn tương đồng nhằm tránh tình trạng “thuốc nội, giá ngoại”.

Hiện BHXH Việt Nam đang đề xuất mở rộng thêm các hoạt chất sẽ đấu thầu tập trung với 20 hoạt chất khác, nhưng còn chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu sớm được phê duyệt, BHXH Việt Nam hy vọng có thể kịp tổ chức đấu thầu tập trung ngay giữa năm nay.

Ngoài ra, việc đấu thầu tập trung vật tư y tế cũng được đề cập. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, trong buổi làm việc với BHXH Việt Nam, ngày 4/1/2018,
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến đối với những vật tư y tế có số lượng sử dụng lớn, giải giá rộng cũng cần phải đưa vào đấu thầu tập trung.

Hiện tại, một số vật tư y tế có số lượng sử dụng rất lớn như kim luồn, hay có giải giá rộng như khớp háng sử dụng trong phẫu thuật thay khớp háng có giá từ 58-150 triệu đồng tùy từng cơ sở y tế; thủy tinh thể nhân tạo giá từ 2-20 triệu đồng… Các vật tư trong can thiệp tim mạch cũng có giải giá rộng.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục