Cần tái định hướng hệ thống an sinh xã hội

(ĐTCK) Bối cảnh hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới và tái định hướng một cách cơ bản hệ thống an sinh xã hội, trong đó trụ cột là bảo hiểm xã hội toàn dân để đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Bối cảnh mới

Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng, sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh, sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống hưu trí nếu không thực hiện một số bước cải cách theo chiều sâu.

Thêm vào đó, Việt Nam đạt nhiều thành công trong xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhóm nghèo còn lại tập trung trong một số nhóm dân tộc thiểu số hoặc sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) phải điều chỉnh theo, tức là không chỉ chú ý đến giảm nghèo, mà còn phải xây dựng các công cụ quản lý rủi ro cho tầng lớp trung lưu mới nổi.

Bên cạnh đó, tỷ trọng người lao động trong khu vực phi chính thức vẫn cao, năng suất lao động còn thấp, phần lớn người lao động trong khu vực này chưa tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Một hệ thống ASXH mới có tác động khuyến khích dịch chuyển lao động sang các ngành có năng suất cao hơn, một hệ thống dịch vụ việc làm giúp người lao động tìm thấy việc làm phù hợp, hiệu quả hơn, kể cả việc chuyển từ ngành năng suất thấp sang ngành năng suất cao sẽ là những yếu tố góp phần nâng cao năng suất lao động nói chung.

Ngoài ra, Việt Nam đang chịu tác động đáng kể của biến đổi khí hậu và những tác động này dự báo sẽ nghiêm trọng hơn trong một vài thập kỷ tới, trong khi hệ thống ASXH hiện nay chưa sẵn sàng thích ứng và ứng phó tốt hơn.

Một yếu tố khác là hệ thống ASXH cần gắn kết hơn, hiệu quả hơn thông qua các công nghệ hiện đại.

 Ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng về bảo trợ xã hội và lao động toàn cầu, phụ trách khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới

Đáng chú ý, hệ thống ASXH sẽ ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng quy mô quốc gia của Chính phủ như hệ thống nhận dạng, hệ thống thu tích hợp với hệ thống thuế và các cơ quan khác...

Thực tế, từ năm 2012, Việt Nam đã nhận thấy sự cần thiết phải hiện đại hóa và tăng cường hệ thống ASXH khi ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Nghị quyết 15 coi ASXH là một trong hai trụ cột của chính sách xã hội, trong đó bao gồm các chương trình trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội, bảo hiểm xã hội và giảm nghèo. 

Gợi ý cải cách

Cải cách hệ thống ASXH theo hướng có chức năng phù hợp với nhu cầu của một quốc gia có thu nhập trung bình, thì hệ thống đó sẽ như thế nào? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, nhưng một số nét bao quát của hành trình hướng tới tầm nhìn 2030 cho hệ thống ASXH có thể bao gồm:

Thứ nhất, hệ thống ASXH đóng vai trò thúc đẩy về mặt kinh tế để kích thích tiết kiệm cho tăng trưởng và ứng phó với vấn đề già hóa một cách toàn diện, hỗ trợ thị trường lao động hiệu quả, quản lý rủi ro kinh tế và hộ gia đình.

Thứ hai, vai trò của Nhà nước trong việc tăng cường tài chính cho lĩnh vực ASXH ngày càng rõ hơn.

Thứ ba, khi tài chính cho ASXH tăng lên, ranh giới giữa trợ giúp xã hội và bảo hiểm xã hội sẽ dần mờ đi. Do đó, việc tăng diện bao phủ cho người nghèo và “nhóm ở giữa” (thu nhập trung bình) đòi hỏi vai trò lớn hơn của ngân sách so với tự đóng góp cho bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, với sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ ngoài nhà nước và nhu cầu điều tiết hoạt đông, giám sát chất lượng, chi theo hiệu quả hoạt động đối với khu vực phi nhà nước…, Nhà nước cần có các chức năng đa dạng hơn trong quản lý hệ thống ASXH và kỹ năng mới để quản lý, giám sát hoạt động của khu vực phi nhà nước khi hình thức hợp tác công tư (PPP) phát triển, định hướng hơn vào khách hàng và sự phát triển của các công nghệ hỗ trợ dịch vụ.

Thứ năm, vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ ngoài nhà nước (vì lợi nhuận và phi lợi nhuận) tăng lên trong các lĩnh vực như thanh toán/chi trả, hệ thống công nghệ thông tin và cung cấp các dịch vụ việc làm, chăm sóc xã hội.

Thứ sáu, cần có một tầm nhìn chiến lược và sự gắn kết hơn giữa các trụ cột của chính sách và phát triển chương trình ASXH để giảm sự phân tán, không nhất quán và trùng lặp, thúc đẩy hiệu quả. Về phần này, công nghệ đột phá sẽ có đóng góp đáng kể trong việc tạo ra một hệ thống ASXH nhất quán và hiệu quả.

Thứ bảy, vai trò của các dịch vụ liên quan đến ASXH quan trọng hơn khi nghèo đói tuyệt đối tiếp tục giảm và Việt Nam phải đối mặt với các nhu cầu dịch vụ phức tạp của một thị trường lao động sôi động hơn và các tác động xã hội mới như già hóa, căng thẳng gia đình...

Thứ tám, hệ thống ASXH đóng vai trò lớn hơn và tích hợp hơn trong việc giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của thiên tai. Điều này đòi hỏi khả năng thích ứng cao hơn của hệ thống ASXH để mở rộng quy mô hỗ trợ khi xảy ra thảm họa.

Thứ chín, hệ thống cung cấp dịch vụ ASXH năng động và hướng đến khách hàng hơn để thích ứng tốt với các thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế - xã hội và kỳ vọng cao của xã hội.

Thứ mười, kỳ vọng vai trò của Nhà nước về ASXH sẽ tăng lên. Nhóm dân số có thu nhập trung bình, giàu có, có ít trẻ em ngày càng tăng, sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ Nhà nước và hệ thống ASXH như nhu cầu bảo vệ toàn diện và đầy đủ hơn cho tuổi già, hỗ trợ tìm việc làm hoặc việc làm tốt hơn, hỗ trợ tài chính sâu hơn khi gặp phải các cú sốc về kinh tế, sức khỏe, thời tiết… Khảo sát ý kiến người dân chỉ ra rằng, hai phần ba người Việt Nam trưởng thành mong muốn Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo thu nhập khi về già.

Philip O’Keefe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục