Bảo hiểm xã hội và cơ quan Thuế có những điểm khác biệt

(ĐTCK) BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến về Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội và cơ quan Thuế có những điểm khác biệt

Vừa qua, Bộ Tài chính có công văn về việc xin ý kiến đề nghị xây dựng Luật Quản lý Thuế (sửa đổi), trong đó có đề xuất 2 giải pháp: Giữ như hiện hành nhưng cơ quan Thuế và cơ quan BHXH thực hiện phối hợp quản lý và thu BHXH theo quy chế phối hợp đã ký giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam; cơ quan Thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động.

Về những đề xuất này, theo BHXH Việt Nam, việc nghiên cứu chuyển nhiệm vụ thu các khoản BHXH bắt buộc đã được Chính phủ giao tại Điều 8 Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát của Tổ công tác liên ngành, năm 2014, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo và đề xuất Thủ tướng được xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế để chia sẻ và trao đổi thông tin giữa thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thu các khoản BHXH bắt buộc. Đến ngày 24/6/2016, Bộ Tài chính có công văn đề xuất tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp theo Quy chế phối hợp công tác số 5423/QCPH-BHXH-TCT giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế.

BHXH Việt Nam cũng khẳng định, những nhiệm vụ và công việc của ngành BHXH và ngành Thuế có tính tương đồng và khác biệt. Cụ thể, về nhiệm vụ của ngành BHXH, theo quy định của Luật BHXH, Luật bảo hiểm y tế và Luật An toàn vệ sinh lao động, BHXH Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đối với người lao động và cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động như: Tuyên truyền; hướng dẫn mẫu biểu; cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế; thu BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh hiểm nghèo; tiếp nhận và giải quyết chế độ; chi trả các chế độ cho người lao động hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế; xác nhận kết quả tham gia cho người lao động và đơn vị; cung cấp thông tin đóng BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh hiểm nghèo; quản lý hạch toán các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh hiểm nghèo; quyết toán thu, chi; đầu tư tăng trưởng các quỹ; giải quyết khiếu nại tố cáo; thanh tra đóng BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh hiểm nghèo; lưu trữ thông tin đóng của người tham gia về quá trình đóng, hưởng từ khi sinh ra đến khi mất đi. Trong khi đó, cơ quan Thuế (theo quy định của pháp luật về thuế) thực hiện nhiệm vụ thu thuế đối với đơn vị, người lao động có phát sinh thu nhập.

Từ đó cho thấy, giữa cơ quan BHXH và Thuế có điểm tương đồng, đó là các khoản thu từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập thực tế khác của người lao động trong đơn vị SDLĐ (đồng thời là cơ quan chi trả thu nhập).

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ, giữa cơ quan BHXH và cơ quan Thuế có những điểm khác biệt. Cụ thể:

Về đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân và đóng các khoản BHXH bắt buộc: Đối tượng kê khai, tính, nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân có thu nhập tại đơn vị sử dụng lao động, bao gồm cả cá nhân không thuộc đối tượng phải tham gia các khoản BHXH bắt buộc; trách nhiệm nộp là cá nhân có thu nhập.

Đối tượng đóng các khoản BHXH bắt buộc là người lao động có quan hệ lao động và có hưởng tiền lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định hoặc tiền lương ghi trong HĐLĐ. Trách nhiệm đóng, bao gồm phần trách nhiệm đóng của đơn vị SDLĐ và phần trách nhiệm đóng của người lao động.

Về căn cứ tính thu và thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, thời hạn đóng các khoản BHXH bắt buộc: Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là thu nhập (từ tiền lương, tiền công và các khoản khác ngoài lương) chịu thuế trong đơn vị SDLĐ và thuế suất. Thu nhập để tính thuế là tổng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng BHXH, các khoản từ thiện (nếu có). Thời hạn nộp chủ yếu theo quý. Căn cứ tính thu BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh hiểm nghèo chỉ là tiền lương tháng, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (các khoản bổ sung khác chỉ phải đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/1/2018) và thời hạn đóng theo tháng.

Về phương thức quản lý đối tượng: Đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh hiểm nghèo phải theo dõi quá trình đóng, xác nhận thời gian tham gia đóng, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế hằng năm, giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh hiểm nghèo và chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, BH thất nghiệp hằng tháng. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân thì không phải theo dõi quá trình đóng thuế và quá trình quyết toán thuế.

Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước ở trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN), thì nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm y tế do một cơ quan quản lý thống nhất thực hiện, đó là cơ quan BHXH. Đồng thời, nhấn mạnh một số kết quả thực hiện của BHXH Việt Nam thời gian qua sau khi có quy chế phối hợp với cơ quan Thuế như về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và kết quả thu.

Từ kết quả đạt được và những phân tích như trên, BHXH Việt Nam nhấn mạnh, việc thu các khoản BHXH bắt buộc tại các đơn vị SDLĐ vẫn phải do cơ quan BHXH thực hiện. Theo nguyên tắc, một công việc giao cho một chủ thể quản lý và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong khi chủ thể đó đang thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; đồng thời các DN đang thuộc diện quản lý đã thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế và không làm mất thời gian giao dịch, không ảnh hưởng đến DN.

Để tiếp tục thực hiện được mục tiêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính giao cho cơ quan Thuế phối hợp với cơ quan BHXH nghiên cứu các nội dung về chỉ tiêu kê khai thuế và BHXH vào tờ khai chung; chia sẻ thông tin về tình hình đóng thuế và BHXH để làm căn cứ xác định số tiền đóng, quyết toán thuế và BHXH nhằm khắc phục tình trạng trốn thuế và trốn đóng BHXH.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục