Bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với vùng khó khăn

(ĐTCK) Với nhiều ưu việt, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện không chỉ phát triển ở những khu vực đô thị có nền kinh tế phát triển cao, mà đang vươn đến cả những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với vùng khó khăn

Tích lũy cho tương lai

Là một lao động tự do, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, anh Hoàng Văn Điều có cuộc sống không mấy dư dả. Tuy nhiên, ngày ngày anh vẫn đang nỗ lực tích lũy để có được số tiền hằng tháng tham gia BHXH tự nguyện như một của để dành.

Năm nay mới 41 tuổi, nhưng công việc nặng nhọc khiến anh Điều già trước tuổi. Anh Điểu cho biết, hiện anh là lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng, làm những công việc như phụ hồ, bốc vác, vận chuyển. Làm cả tháng không nghỉ ngày nào anh có được gần 4 triệu đồng. Nhưng anh vẫn quyết định trích ra 586.000 đồng/tháng để tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2014 đến nay. Số tiền còn lại anh tính toán chi tiêu, tằn tiện cùng vợ lo cho 2 đứa con.

Nói về sự lựa chọn của mình, anh kể, trước anh là công nhân Nhà máy Gạch gói Hợp Thành đóng trên địa bàn thị trấn. Sau hơn 10 năm làm việc thì năm 2014, Công ty khó khăn, anh mất việc làm. Lúc đó, anh đã tính đến chuyện hưởng BHXH một lần.

“Tôi đã đến BHXH huyện để tìm hiểu và được biết số tiền nếu tôi lĩnh một lần khoảng 30-40 triệu đồng. Đó là một số tiền lớn với tôi. Tuy nhiên, cán bộ BHXH cũng nói tôi nên cân nhắc vì thời gian tham gia BHXH của tôi dài, chỉ cần tôi tham gia BHXH tự nguyện một thời gian nữa là có thể nhận lương hưu. Tham khảo thêm ý kiến của người thân và từ tính toán, trăn trở của mình, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện", anh Điểu nói.

Với quyết định đó, từ năm 2014 đến nay, anh Điểu vẫn kiên trì với lựa chọn của mình dù cuộc sống còn không ít khó khăn. Anh chia sẻ: “Nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì thu nhập hiện tại bấp bênh quá, nhưng nghĩ lại mục đích ban đầu của mình, tôi lại cố gắng.

Kiên trì đến hôm nay, tôi thấy mình may mắn, vì nhiều người nghỉ việc cùng thời với tôi, hưởng BHXH một lần giờ số tiền lĩnh cũng tiêu hết rồi. Tôi thì chỉ vài năm nữa thôi thì đã có cho mình một cuốn sổ hưu, một tấm thẻ BHYT để phòng khi ốm đau, bệnh tật. Những lợi ích đó là không nhỏ. Tôi luôn tâm niệm, tham gia BHXH tự nguyện cũng như trồng một cái cây. Cái hạt ban đầu gieo thì nhỏ bé nhưng kiên trì chăm sóc thì sau này sẽ chắc có được hoa trái ngọt ngào", anh Điểu tâm sự.

Không chỉ anh Điều, ở Lạng Sơn, ở Nghệ An và rất nhiều vùng khó khăn khác, người dân cũng đã bắt đầu thấy rõ và truyền tai nhau về BHXH tự nguyện. Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn với người dân, người lao động. Với người nông dân, trồng cây, gieo hạt là công việc thân quen từ tấm bé và giờ đây, nhiều người trong số họ cũng gieo những hạt mầm “BHXH tự nguyện” chờ đợi mùa bội thu. 

"Cây" BHXH tự nguyện đã cho “trái ngọt”

Đối với gia đình ông Dương Văn Khương và bà Nông Thị Ngoan (63 tuổi) cũng ở huyện Cao Lộc, thì đúng là "cây" BHXH tự nguyện đã cho “trái ngọt”. Ông Khương cho biết, năm 1995, ông làm việc tại UBND thị trấn Cao Lộc, được tham gia BHXH bắt buộc. Đến năm 2004, ông nghỉ việc, đi dạy học ở một trường nghề thêm 2-3 năm.

“Khi nghỉ việc, tôi có tổng thời gian tham gia BHXH bắt buộc hơn 12 năm. Lúc đó, tôi có ý định hưởng BHXH một lần để kiếm ít vốn làm ăn. Nhưng may có bà nhà tôi can ngăn nên tôi chốt sổ để lại. Năm 2008, tìm hiểu về chế độ BHXH tự nguyện, tôi đã đăng ký tham gia cộng nối vào thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó. Đến tháng 10/2018, tôi đã có sổ hưu, được cấp thẻ BHYT. Nhớ lại tôi thấy mình thật may mắn vì đã nghe lời vợ”, ông Khương nói vừa quay sang bà Ngoan cười rạng rỡ.

Bà Ngoan chia sẻ: “Lúc ông ấy nghỉ việc, gia đình khó khăn nên tôi cũng đắn đo, cân nhắc việc hưởng BHXH một lần lắm. Nhưng nghĩ tiếc 12 năm công tác được đóng BHXH và nhất là từ kinh nghiệm bản thân mà tôi khuyên chồng không nên lĩnh một lần”.

Nói về kinh nghiệm của mình, bà Ngoan vẫn còn tiếc nuối. Bà kể, thời trẻ bà tham gia bộ đội, sau đó chuyển qua làm ở ngành Thương nghiệp của tỉnh. Đến năm 1993, bà nghỉ việc sau mười mấy năm công tác và nhận chế độ 1 lần với số tiền gần 700.000 đồng. Số tiền đó, cũng giúp bà làm được một số việc, nhưng cũng chẳng được bao lâu vì bà không còn thu nhập, chế độ gì.

“Từ kinh nghiệm đó, tôi bàn với chồng để lại số tiền đã đóng BHXH và tìm hiểu xem có thể cộng nối, tham gia với một loại hình BHXH nào khác không. May mắn là khoảng thời gian này, BHXH tự nguyện bắt đầu ra đời, khi tìm hiểu, tôi thấy đây là một chính sách tốt với nhiều quyền lợi, ưu đãi, có sự đảm bảo lâu dài nên tôi và chồng đã quyết định tham gia. Vì vậy, đến tháng 10/2018, ông nhà tôi đã được nhận lương hưu hằng tháng với số tiền 1,8 triệu đồng và thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh", bà Ngoan tâm sự.

Theo bà Ngoan, số tiền lương hưu đó tuy không quá nhiều, nhưng điều lớn nhất mà cuốn sổ hưu mang lại cho ông bà là tâm lý tự tin, yên tâm. Bên cạnh đó, với tấm thẻ BHYT, hàng tháng, ông có điều kiện đi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn, không lo là gánh nặng cho con cái.

Những câu chuyện người thật, việc thật như của vợ chồng ông Khương, bà Ngoan chính là những minh chứng sống động nhất cho sự ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện với mục tiêu an sinh xã hội của Nhà nước ta.                 

Nam Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục