Để hoàn thành mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc hỗ trợ người tham gia.
Tăng trưởng nhưng chưa xứng với tiềm năng
Nhờ có nhiều đột phá trong tổ chức thực hiện như: Tăng cường ứng dụng CNTT; đơn giản thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý, cộng tác viên; đặc biệt từ năm 2019 phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức các Hội nghị với người dân để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện mà BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, nếu như năm 2016 cả nước có trên 203 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện thì đến năm 2017 có trên 224 nghìn người tham gia, tăng khoảng 10% so với năm trước; năm 2018 khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh đạt trên 277 nghìn người, tăng 23,6% so với năm 2017.
Đặc biệt từ năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt trên 574 nghìn người, tăng trên 296 nghìn người, tương ứng tăng 107% so với năm 2018 và đến hết tháng 7/2020, đạt trên 737 nghìn người, tăng trên 163 nghìn người, tương ứng tỷ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo năm 2018 là 2,93 nghìn người, chiếm 1,05% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện là 4,39 nghìn người, chiếm 1,58% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện; năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo là trên 6,5 nghìn người, chiếm 1,13% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 9,7 nghìn người, chiếm 1,70% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện 02 năm qua chỉ chiếm dưới 3% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Giải pháp thúc đẩy người tham gia
Để hoàn thành mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện theo lộ trình: Đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%; đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.
BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần.
Cụ thể, nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại
Nếu đề án này được thông qua, BHXH Việt Nam dự kiến số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người. Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).
Như vậy, bên cạnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia nhằm mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.