Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công nghệ hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra

(ĐTCK) Những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặc biệt quan tâm. Để tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý, cơ quan này đã chính thức triển khai phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo hiểm.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công nghệ hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra

Tổng nợ bảo hiểm 7 tháng đạt 67,2 tỷ đồng

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh vừa ký Quyết định số 999/QÐ-BHXH về việc ban hành phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0. BHXH Việt Nam cho biết, phần mềm được triển khai nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo hiểm, góp phần hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ của ngành.

Kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực với quy định chức năng thanh tra, cơ quan BHXH đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra và đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 7/2019, Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã chủ trì thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn 7 tỉnh; phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Cà Mau, Lào Cai và Phú Thọ.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, toàn tỉnh Phú Thọ có 12.447 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 5.962 người so với cùng kỳ năm trước và tăng 4.920 người (65,3%) so với năm 2018, đạt 92% kế hoạch được giao. Ðây là kết quả vượt bậc khi các năm trước đây, bình quân chỉ khai thác tăng được .1000 người tham gia BHXH tự nguyện mỗi năm.

Qua hoạt động thanh tra, cơ quan BHXH phát hiện 781 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng hơn 5,4 tỷ đồng; 2.855 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng hơn 12,7 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có quyết định là hơn 67,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, các đơn vị đã nộp gần 26 tỷ đồng.

Nói về khó khăn trong công tác quản lý quỹ bảo hiểm, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Ðào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm như tình trạng chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động. Theo ông Ánh, trong công tác quản lý, mặc dù BHXH Việt Nam rất sát sao, thực hiện hiện nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý, nhưng tình hình nợ đọng bảo hiểm vẫn ở mức cao, tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Phấn đấu hoàn thành cơ sở dữ liệu điện tử vào năm 2020

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giảm tải sử dụng văn bản giấy và sổ sách ghi chép tay; tiết kiệm thời gian cho cán bộ trong công tác báo cáo, tổng hợp; hỗ trợ các tiện ích để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời công tác quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra được toàn diện, bao quát và đồng bộ hơn.

Những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành, hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Ðến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Năm 2018, có hơn 47 triệu hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện qua giao dịch điện tử. Toàn bộ ứng dụng công nghệ thông tin ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Tính đến hết năm, BHXH Việt Nam đã triển khai và vận hành thông suốt toàn bộ hệ thống nghiệp vụ từ Trung ương đến địa phương, bao gồm 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực. Về cơ sở dữ liệu, BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa dữ liệu để đảm bảo cơ sở dữ liệu không chỉ phục vụ cho ngành BHXH, mà còn phục vụ cho cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cũng trong 2018, BHXH đã đưa vào sử dụng mạng WAN (Wide Area Network - mạng diện rộng) từ cấp huyện, tỉnh đến Trung ương để kết nối liên thông. Ðối với hoạt động công nghệ thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, năm 2018, BHXH Việt Nam đã triển khai giao dịch điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ, với tổng số hồ sơ điện tử đạt kỷ lục 47,72 triệu lượt của đơn vị sử dụng lao động.

Các dịch vụ công được triển khai trên hệ thống giao dịch điện tử, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, giảm bớt thời gian, giấy tờ trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm nghiệp vụ nhằm công khai, minh bạch hoạt động trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động.

BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục