Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo BHXH Việt Nam, trong quý I/2020, cơ quan này đã nhanh chóng hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, các doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động sẽ được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ phải có số lao động tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 mà dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị cần kịp thời phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH Việt Nam cho biết sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Ðồng thời, hàng tháng, đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Triển khai hướng dẫn của BHXH Việt Nam, vừa qua, liên ngành BHXH, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ðối với người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình.
Trong quý I/2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp ước thực hiện là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng; số người được chi trả hỗ trợ học nghề ước thực hiện là 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người) với số tiền chi trả ước thực hiện là 18 tỷ đồng.
Nhiều chính sách đã nhanh chóng được đưa ra và người lao động sẽ có thêm sự hỗ trợ để vượt khó khăn trong thời gian này.
Theo đó, đối với các trường hợp người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm Covid-19 không thể đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo thời hạn quy định (chỉ ảnh hưởng đối với những trường hợp không đến nhận tiền nhưng gần quá thời hạn 3 tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định), hiện BHXH Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm Covid-19 để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ðẩy mạnh giao dịch điện tử
Cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, BHXH các địa phương cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các bên tham gia BHXH.
Thời gian qua, thủ tục hành chính trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế ngày càng được cải tiến, rút gọn. Từ 263 thủ tục vào năm 2012 được giảm xuống còn 27 thủ tục vào năm 2019.
Có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng Internet; thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm. Số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm.
Ðồng thời, công tác ứng dụng công nghệ thông tin cũng được BHXH Việt Nam đẩy mạnh triển khai từ năm 2015.
Ðến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành, hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân; trong đó có gần 86 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Hiện có 18 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo BHXH Việt Nam, giao dịch điện tử không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Chẳng hạn, khi đăng ký kê khai, doanh nghiệp chỉ cần nhập thông tin theo mẫu, hệ thống tự động kết xuất các hồ sơ phù hợp theo nội dung yêu cầu, vì vậy, các thủ tục được đơn giản hóa. Doanh nghiệp không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH để nộp hồ sơ.
Nhiều cá nhân cũng lựa chọn hình thức giao dịch điện tử. Nhiều trường hợp, thẻ bảo hiểm y tế bị nhầm lẫn, người tham gia chỉ cần thực hiện gửi thông tin qua giao dịch điện tử.
Cán bộ BHXH sẽ tiếp nhận, xử lý, giải quyết rất nhanh cho người tham gia.
Ðặc biệt, trong lúc cả nước đang chung tay phòng dịch Covid-19 thì việc giao dịch điện tử lại càng thực sự cần thiết, hữu ích. BHXH các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Tại Gia Lai, BHXH tỉnh tận dụng ưu thế của Internet, triển khai giải pháp cấp thẻ BHYT do hỏng hoặc mất thông qua mạng xã hội Zalo.
BHXH tỉnh Gia Lai hướng dẫn người tham gia bảo hiểm y tế, khi có nhu cầu cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng hoặc mất trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, có thể sử dụng ứng dụng Zalo, chụp hình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, viết tin nhắn và gửi yêu cầu cấp thẻ bảo hiểm y tế do hỏng hoặc mất, kèm địa chỉ nhận thẻ bảo hiểm y tế cấp lại và gửi tới số điện thoại trực tiếp tiếp nhận thông tin của cơ quan BHXH.
BHXH Gia Lai sẽ thực hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế và gửi qua dịch vụ bưu chính công đến địa chỉ người dân.
Trong thời gian chờ đợi, BHXH sẽ gửi ảnh thẻ bảo hiểm y tế mới qua Zalo. Người dân có thể dùng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế tạm thời để sử dụng cho việc cấp cứu tại các cơ sở y tế.