Theo ông Tỉnh, đúng là nhiều người bệnh không may mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày, nhờ tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn, tránh được “bẫy nghèo”. Các bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn nêu trên thường mắc các bệnh về máu, chủ yếu là bệnh Hemophilia. Đây cũng phản ánh nguyên lý cơ bản của chính sách BHYT xã hội.
Tuy nhiên, ông Tỉnh khẳng định, các bệnh nhân BHYT khác không bị ảnh hưởng đến quyền lợi trong khám chữa bệnh.
Để quỹ BHYT bảo đảm cân đối, cơ quan BHXH đang nỗ lực cải cách phương thức giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, đồng thời kiến nghị các cơ sở y tế và người tham gia BHYT cùng chung tay sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ BHYT, đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT, chính là đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và của chính các cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh việc đảm bảo các quyền lợi, từ ngày 1/12/2018, nhiều điểm mới trong chính sách BHYT chính thức được áp dụng để thuận lợi cho người tham gia và đạt mục tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân.
Cụ thể, Nghị định số 146 đã quy định bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; Hỗ trợ từ ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác cho người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, một số các quy định thanh toán đã tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn như: Trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được hưởng quyền lợi theo quy định...
Với đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT, ngoại trừ trường hợp đang sinh sống tại các huyện nghèo sẽ được hỗ trợ lên tới 100%.