Bảo hiểm Việt Nam: Tiềm năng chưa được khai thác hết

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu do thị trường Việt Nam có xuất phát điểm thấp với mức độ tham gia thị trường thua xa các nước phát triển trong khu vực.
Trong giai đoạn 2009 - 2013, mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 12 - 13% mỗi năm.

Tăng trưởng cao…

Theo số liệu thống kê năm 2008, tổng doanh thu bảo hiểm và đầu tư đạt 27.968 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 10.855 tỷ đồng, tăng 27,7%; bảo hiểm nhân thọ đạt 10.339 tỷ đồng, tăng 8,8%. Trong giai đoạn 2009 - 2013, Bộ Tài chính đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 12 - 13% mỗi năm, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15 - 18%/năm và bảo hiểm nhân thọ tăng 8 - 10%/năm.

 

… nhờ vào mức độ tham gia thị trường còn thấp

Thị trường bảo hiểm Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kép 25,5%/năm trong giai đoạn 1993 - 2008. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, mức tăng này chủ yếu do thị trường Việt Nam có xuất phát điểm thấp với mức độ tham gia thị trường thua xa các nước phát triển trong khu vực. Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, mức độ tham gia thị trường tính trên tổng doanh thu phí so với GDP chỉ đạt 1,4% năm 2008, dù đã tăng mạnh từ mức 0,5% năm 1993. Tương tự, đối với bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí tính trên bình quân đầu người cũng chỉ đạt 15 USD năm 2008 so với 6 USD năm 1993.

 

Mở cửa thị trường tác động tích cực đến ngành bảo hiểm

Theo lộ trình WTO, các công ty bảo hiểm nước ngoài ngày càng tiếp cận gần hơn với thị trường bảo hiểm Việt Nam . Từ ngày 1/1/2008, các công ty nước ngoài đã được phép cung cấp một số sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. Trước đây, chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mới được cung cấp các sản phẩm này. Việc mở cửa thị trường sẽ làm cho cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên khốc liệt hơn. Tuy nhiên, nhìn trên khía cạnh tích cực, việc này sẽ giúp ngành bảo hiểm Việt Nam ngày càng được cải thiện và phát triển. 

 

Danh mục đầu tư tập trung

Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao, phí bảo hiểm giảm trong khi chi phí bồi thường có xu hướng tăng mạnh, rất ít doanh nghiệp có lời từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Chính vì vậy, hoạt động đầu tư trở thành nguồn thu chính cho hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay chỉ tập trung vào một vài sản phẩm tài chính nhất định, một phần do quy định của Bộ Tài chính, một phần do sự hạn chế của thị trường tài chính Việt Nam. Khoảng 60% tổng giá trị danh mục được đầu tư vào trái phiếu, 22% dưới dạng tiền gửi, phần còn lại phân bổ cho đầu tư vào thị trường vốn, bất động sản và các lĩnh vực khác. Danh mục trên mặc dù đem lại thu nhập ổn định, an toàn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn nền kinh tế bất ổn, nhưng khi nền kinh tế phục hồi, thị trường tài chính được cải thiện, cơ cấu như trên sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn do tỷ suất lợi nhuận đem lại tương đối thấp.

 

Thị trường bảo hiểm Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ

Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nhanh chóng tăng lên, từ 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước trong những năm đầu phát triển lên đến 49 doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đều có quy mô nhỏ. Ngày 27/3/2007, Chính phủ đã đưa ra quy định mới về mức vốn tối thiểu đối với các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia hoạt động tại thị trường Việt Nam (Nghị định số 46/2007/NĐ-CP). Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có vốn điều lệ tối thiểu là 300 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng và môi giới bảo hiểm là 4 tỷ đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định 46 có hiệu lực, có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định nêu trên thì trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, phải bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định. Hiện tại, hơn 50% doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chưa đạt yêu cầu về vốn điều lệ theo Nghị định 46.

Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết, chúng tôi chọn Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BVH) và Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) là hai đại diện cho ngành.

Bài viết có sự hợp tác của CTCK Kim Eng và chỉ mang giá trị tham khảo.
Bài viết có sự hợp tác của CTCK Kim Eng và chỉ mang giá trị tham khảo.

Tin cùng chuyên mục