Kết quả khảo sát vừa được Shopee (nền tảng thương mại điện tử đến từ Singapore) công bố cho biết, 38% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát thường mua sắm qua kênh trực tuyến.
Về tìm kiếm sản phẩm, có 58% số người được hỏi cho biết, họ tìm kiếm qua kênh online. Ba lĩnh vực mà người tiêu dùng Việt Nam chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến là đồ may mặc, các sản phẩm điện tử, gia dụng và du lịch.
Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 25 - 30%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đến năm 2020, dự kiến có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, với mức chi tiêu bình quân 350 USD/người.
Cũng như một số ngành hàng khác, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bắt đầu tham gia vào “sân chơi” trực tuyến như BIC, PTI, Liberty ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, Prudential và Manulife Việt Nam ở khối bảo hiểm nhân thọ.
Hiện tại, doanh thu bảo hiểm đến từ kênh online vẫn còn khá khiêm tốn, bởi về cơ bản, các doanh nghiệp đang phát triển thử nghiệm.
Theo một chuyên gia trong ngành, ở nhiều nước trên thế giới, phần lớn các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đã và đang được bán trực tuyến, kể cả các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, có không ít website giới thiệu và so sánh các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ online.
Tại thị trường Việt Nam, đã có những công cụ tìm kiếm tích hợp khách quan và chuyên biệt dành cho các sản phẩm bảo hiểm, ngân hàng như gobear.com/vn. Tính đến thời điểm này, GoBear đã đạt gần 650 ngàn lượt so sánh trên trang web. Ngoài GoBear, thị trường đang manh nha một vài mô hình phát triển hỗ trợ cho bảo hiểm trực tuyến phát triển.
Bảo hiểm trực tuyến ở Việt Nam chưa thực sự phát triển có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân cơ bản là các doanh nghiệp vẫn đang chờ một hành lang pháp lý đồng bộ cho sân chơi này.
Được biết, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Theo đó, nghị định mới sẽ quy định về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực: Tài chính (bao gồm ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm (không bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); dịch vụ tài chính.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về chấp nhận giá trị pháp lý chứng từ điện tử; về chuyển đổi chứng từ giấy sang chứng từ điện tử; về việc hủy hiệu lực chứng từ điện tử; về chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử có chữ ký điện tử bằng có chữ ký số, chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử có chữ ký số của tổ chức.
Chứng từ điện tử mà người khởi tạo, xử lý chứng từ được xác thực theo các cách sau: Xác thực bằng mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên gắn với người khởi tạo, xử lý chứng từ; xác thực bằng sinh trắc học…
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2018. Chia sẻ tại buổi thảo luận lấy ý kiến doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, dự thảo có một bước tiến mới khi bỏ quy định doanh nghiệp phải xuất trình chứng từ ở dạng giấy khi đã thực hiện giao dịch điện tử.
“Tuy nhiên, liệu các cơ quan quản lý có chấp nhận sự thay đổi này khi không đòi hỏi chứng từ dạng giấy để lưu không?”, đại diện doanh nghiệp trên tỏ ra băn khoăn.