Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Từ “mệnh lệnh”

Ngày 30/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này được nhận định là cơ sở để BHTG Việt Nam triển khai tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Theo đó, mục tiêu tổng quát phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đề cập với ba nội dung chính:

Thứ nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG, bao gồm chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.

Cụ thể hơn đó là, phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia BHTG được xử lý. Đồng thời, đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.

Đến giải pháp

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng chỉ rõ tổ chức BHTG gửi thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG, Luật Các TCTD; Hoàn thiện quy định về chế độ tài chính của tổ chức BHTG.

Hai là, hoàn thiện chính sách BHTG. Theo đó, cần định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam và đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia BHTG.

Ba là, hoàn thiện khung pháp lý và quy trình thực hiện cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia BHTG; Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm; Cần nâng cao hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tính và thu phí BHTG; Tham gia kiểm soát đặc biệt, xử lý các tổ chức tham gia BHTG gửi yếu kém; Tăng cường hiệu quả chi trả BHTG và thanh lý tài sản...

Bốn là, nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG; Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu quả và đồng bộ trong quản trị điều hành, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ lãnh đạo có năng lực đồng thời, thường xuyên rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản và cơ chế quản trị điều hành, đổi mới công tác nhân sự.

Song song với đó, thực hiện nhiệm vụ tham gia hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tham gia BHTG yếu kém, ưu tiên đảm bảo nguồn tài chính phục vụ công tác chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, đồng thời xây dựng Đề án phát triển công nghệ thông tin phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG.

Và nỗ lực triển khai

Sau khi Luật Các TCTD (2024) được Quốc hội thông qua, BHTG Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phân công nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai quy định của Luật Các TCTD (2024), nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG (Kế hoạch). Theo đó, Kế hoạch đã phân công cụ thể nội dung công việc cần thực hiện, người chỉ đạo, đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp, thời gian thực hiện đối với từng nhiệm vụ của BHTG Việt Nam theo quy định tại Luật Các TCTD (2024), đối với từng chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các nhóm công việc khác có liên quan.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Luật Các TCTD (2024) và các định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, cơ quan BHTG Việt Nam đã chỉ đạo đơn vị đầu mối liên hệ làm việc với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kinh doanh 5 năm của BHTG Việt Nam giai đoạn mới phù hợp với Chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Chiến lược phát triển BHTG, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Luật Các TCTD (2024). Hiện nay, đơn vị đầu mối và các phòng có liên quan đã hoàn thiện việc xây dựng Đề cương kế hoạch kinh doanh 05 năm của BHTG Việt Nam giai đoạn 2025 - 2029 và chuẩn bị các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thông qua, đồng thời dự kiến phân công nhiệm vụ đối với từng đơn vị có liên quan.

Đáng chú ý, trong xu thế cách mạng công nghệ 4.0, trên cơ sở đề nghị của Văn phòng Đảng ủy về nội dung chuyển đổi số tại BHTG Việt Nam, Ban Thường vụ Đảng ủy BHTG Việt Nam đã họp thảo luận và thống nhất về triển khai thực hiện chuyển đổi số tại BHTG Việt Nam tại Thông báo số 2067-TB/ĐU ngày 31/01/2024. Theo đó, BHTG Việt Nam đã triển khai quy trình thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác chuyển đổi số, khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tại BHTG Việt Nam, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan đến xây dựng Văn phòng điện tử tại BHTG Việt Nam.

Bên cạnh những hành động mang tính tổng thể và dài hạn, trong quý I/2024, BHTG Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG và báo cáo kết quả kiểm tra 60 quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước năm 2023, gửi Ngân hàng Nhà nước theo đúng thời gian quy định; hoàn thành việc xây dựng báo cáo kết quả 5 năm BHTG Việt Nam thực hiện kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và một số giải pháp tiếp tục củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trong môi trường cạnh tranh và chuyển đổi số để phục vụ Hội nghị trực tuyến chuyên đề về quỹ tín dụng nhân dân do Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng làm đầu mối.

Để chuẩn bị tốt cho công tác triển khai Kế hoạch kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2024 đối với 75 quỹ tín dụng nhân dân, BHTG Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân nhằm hướng dẫn các nội dung kiểm tra năm 2024, giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của các đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra tại các quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức đoàn công tác làm việc với Chi nhánh BHTG Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ về công tác kiểm tra theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước năm 2024. Tính đến quý I/2024, BHTG Việt Nam đã thực hiện kiểm tra 56/253 tổ chức tham gia BHTG đạt 22,13% kế hoạch; hoàn thành kiểm tra 02/75 quỹ tín dụng nhân dân theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong quý I/2024, BHTG Việt Nam đã thực hiện cấp 96 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG và thực hiện thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG đối với 1 quỹ tín dụng nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý thu phí BHTG, đồng thời giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến việc tính, nộp phí BHTG. Tổng số phí BHTG thu được trong kỳ thu phí quý I/2024 là 2.918 tỷ đồng tăng 2,8% so với quý trước đó và vượt 13,9% so với kế hoạch dự kiến năm 2024.

Nguyễn Thị Thương
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục