Con số doanh thu âm 1% so với cùng kỳ của nghiệp vụ này không khó hiểu. Nhưng bước sang năm 2014, tình hình đang xoay chuyển theo chiều hướng tích cực hơn.
Nỗ lực vượt khó
Kết thúc năm 2013, theo Báo cáo chuyên đề thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), mảng bảo hiểm tài sản và thiệt hại đóng góp 5.326 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm. Dù doanh thu giảm 1% so với năm 2012, nhưng nghiệp vụ này vẫn khẳng định vị thế quan trọng trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, khi chiếm tới 23% tổng doanh thu phí toàn thị trường (23.359 tỷ đồng), chỉ đứng sau nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.
Những doanh nghiệp có doanh thu cao nhất thị trường tất nhiên vẫn là những thương hiệu lớn như Bảo hiểm PVI, Bảo Việt, PJICO, Bảo Minh…
Năm qua, PJICO đã ghi dấu ấn trên thị trường, với việc đạt được thỏa thuận cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho một loạt dự án bất động sản của Tập đoàn Vingroup, một nhà phát triển bất động sản lớn và kỹ tính. Cái bắt tay hợp tác này đã đóng góp quan trọng vào con số 323 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm tài sản – thiệt hại năm 2013 của PJICO.
Với một DN đã chứng tỏ vị thế của mình trên thị trường bảo hiểm bán lẻ như PJICO (dẫn đầu thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm xe máy, đứng thứ hai về nghiệp vụ bảo hiểm ô tô) thì việc ghi dấu ấn ở mảng bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản- thiệt hại đã cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp này trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Không riêng PJICO, trước diễn biến không thuận lợi của phân khúc bảo hiểm những dự án công trình trọng điểm quốc gia và nhiều dự án bất động sản bị ngưng trệ đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu phí bảo hiểm từ mảng này, nhiều DN trong khối đã buộc phải lấn sân mạnh sang mảng bảo hiểm bán lẻ, nhằm cân bằng nguồn thu.
Kỳ vọng tăng trưởng dương
Năm 2014, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế vĩ mô đang có những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn. Quý I vừa qua, theo CBRE, là quý đầu tiên giá nhà tăng sau 11 quý giảm liên tiếp. Thanh khoản thị trường đã được cải thiện, hàng tồn kho giảm mạnh, nhiều nhà phát triển bất động sản sau một thời gian “nằm im” đang quay trở lại thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI vào Việt Nam cũng rất khả quan, số vốn đăng ký trong năm 2013 là 21,6 tỷ USD- chủ yếu được giải ngân trong năm 2014, sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà bảo hiểm gia tăng doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản-thiệt hại.
Ngoài ra, hàng loạt dự án xây dựng Quốc lộ 1 (khu vực miền Trung), đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, cầu đường vượt biển Lạch Huyện, đường sắt đô thị trên cao, khu công nghiệp Vũng Áng, Nghi Sơn, Phú Quốc, Vân Đồn… đang được triển khai cũng là tín hiệu vui với mảng bảo hiểm tài sản thiệt hại.
Thực tế cũng cho thấy, mảng bảo hiểm tài sản của các doanh nghiệp trong ngành đang có những chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, mới đây, PJICO đã công bố chính thức trở thành nhà bảo hiểm cho ba dự án của Vingroup (Vincom Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội, Vincom Hạ Long và Vinpearl Phú Quốc), có tổng giá trị đầu tư gần 6.000 tỷ đồng.
Hay như tại Bảo hiểm PVI, ngoài các dự án thuộc lĩnh vực dầu khí - năng lượng như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, dự án đầu tư trọng điểm của Chính phủ với quy mô vốn hàng tỷ USD, mới đây, Công ty đã trở thành nhà bảo hiểm cho Dự án đường ôtô Tân Vũ – Lạch Huyện, dự án cầu đường vượt biển dài nhất Việt Nam, với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Không riêng PJICO hay PVI, nhiều DN trong ngành khi trao đổi với ĐTCK cũng bày tỏ kỳ vọng doanh thu từ mảng bảo hiểm - tài sản sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.
Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.