Cuối năm 2010, Tổng Công ty bảo hiểm BIDV (BIC) đã ký một biên bản ghi nhớ với Công ty Bảo hiểm bảo lãnh Seoul (SGIC) của Hàn Quốc để cung cấp sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh tại thị trường Việt Nam. Theo đó, BIC và SGIC sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trong một số lĩnh vực để tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh như: marketing, phát triển sản phẩm, đào tạo, kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ bồi thường và chăm sóc khách hàng.
BIC triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh tại thị trường Việt Nam từ tháng 9/2009 và là một trong các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên mạnh dạn "lấn sân" sang lĩnh vực này. Sản phẩm này được áp dụng rất phổ biến ở châu Á (Hàn Quốc, Singapore...), tuy nhiên, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm vẫn còn dè dặt với sản phẩm này do khách hàng mới chỉ quen với hình thức bảo lãnh ngân hàng.
Cùng với BIC, một vài doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đã phát triển sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh như Bảo Việt… Tuy nhiên, theo phó phòng phi hàng hải của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, mặc dù số đơn bảo hiểm của các doanh nghiệp trong nước cấp tương đối nhiều nhưng doanh thu phí thì không lớn. Và thực tế chỉ có các doanh nghiệp có hợp tác với các công ty bảo hiểm nước ngoài mới có lợi thế thực sự ở mảnh đất này do được hỗ trợ về kinh nghiệm triển khai, năng lực phát triển sản phẩm….
Mảng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cũng đang nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, đến nay chỉ có 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là PVI, Bảo Minh và Công ty TNHH Bảo hiểm QBE. Trong đó, QBE có 2 hợp đồng đạt doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hơn 4 tỷ đồng, Bảo Minh có 6 hợp đồng, đạt doanh thu phí 3 tỷ đồng.
Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang rậm rịch chuẩn bị triển khai sản phẩm này, như BIC, Bảo Việt… Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thực sự của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn còn là dấu hỏi lớn khi thực tế phụ thuộc rất
nhiều vào sự "mặn mà" của các doanh nghiệp.
Các sản phẩm bảo hiểm tài chính đang ngày càng đa dạng, hướng tới các đối tượng khách hàng từ các định chế tài chính tới các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Tuy vậy, nhiều người vẫn nhìn nhận những bước phát triển ban đầu trong lĩnh vực này vẫn còn rất thận trọng. Các sản phẩm đang triển khai mới chỉ là những sản phẩm đơn giản và cơ bản.
Việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm tài chính phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, đó là sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để bảo hiểm tài chính nở rộ thực sự, cần sự phát triển, hoàn thiện các công cụ tài chính và các sản phẩm phái sinh. Thứ hai, là nhận thức của xã hội về sự cần thiết của loại hình này, đặc biệt là nhận thức về nhu cầu quản lý các rủi ro tài chính. Thứ ba, là năng lực của các công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm tài chính là dòng sản phẩm tương đối phức tạp, để nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm này, đòi hỏi sự năng động của công ty bảo hiểm, công nghệ và sự hợp tác với các đối tác tái bảo hiểm uy tín…
Một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, bảo hiểm tài chính vẫn còn là "tương lai xa" của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Vị chuyên gia này cho rằng, bảo hiểm tài chính chỉ phát triển khi thị trường tài chính phát triển đủ tầm, các sản phẩm phát sinh phong phú và có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá rủi ro. Mặc dù các công ty trong nước có thế mạnh về cơ sở khách hàng nhưng rõ ràng, thế mạnh vẫn thuộc về các công ty nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm và thị trường tài chính ở nước họ đã quá phát triển. Nếu quan sát kỹ, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mạnh dạn trong lĩnh vực này hầu hết đều có sự hậu thuẫn từ một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có kinh nghiệm về bảo hiểm tài chính.