Bảo hiểm sức khỏe không còn là “gà đẻ trứng vàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe được xem là “gà đẻ trứng vàng” bởi mang lại doanh thu cao, thế nhưng Covid xuất hiện khiến tỷ lệ bồi thường sản phẩm này tăng vọt, trở thành “cơn đau đầu” của nhà bảo hiểm.

Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 với mức lỗ ròng kỷ lục 184,375 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 93,33 tỷ đồng).

Ngoài sự sụt giảm của hoạt động đầu tư chứng khoán, tiền gửi…, nguyên nhân chính khiến PTI lỗ lớn trong 2 quý đầu năm 2022 là do phát sinh chi phí bồi thường liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” số tiền 296,157 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường chung thị trường.

Vững Tâm An từng là sản phẩm “best seller” của PTI cả về số lượng hợp đồng lẫn doanh thu. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài, trong khi sản phẩm bảo hiểm sức khỏe này lại bán quá tốt “đúng thời điểm” khiến nhà bảo hiểm này “đau đầu” vì bồi thường.

Không chỉ PTI, nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ trước đây cũng đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm có hỗ trợ Covid thì nay đều đã dừng sản phẩm do rủi ro bồi thường quá lớn. Việc những nhà bảo hiểm này không bị “chìm xuồng” như PTI là do bán không chạy bằng. Hiện PTI cũng đã dừng bán sản phẩm này.

Ghi nhận tại các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, ngoài những sản phẩm liên quan đến Covid, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe hay liên quan đến y tế khác cũng ghi nhận tỷ lệ bồi thường tăng đột biến.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu bảo hiểm con người đạt 10.506 tỷ đồng, tăng trưởng 21%, tỷ lệ bồi thường chung là 32%. Những doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai bảo hiểm sức khỏe như PTI, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm Bảo Việt… đều có tỷ lệ bồi thường cao hơn so với mức chung, lần lượt là 38%; 45,6%; 48,5% và 55,6%.

Một trong những lý do khiến tỷ lệ bồi thường bảo hiểm sức khỏe tăng vọt đó là sau thời gian phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan, người dân dồn dập đi khám bệnh, không chỉ những bệnh thông thường mà số lượng người chủ động đi khám hậu Covid cũng tăng cao, cho dù không có triệu chứng nhiễm bệnh. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, bên cạnh những trường hợp có bệnh, cũng có nhiều khách hàng lợi dụng kẽ hở trong quy định về việc điều trị Covid để trục lợi. Trong một cuộc họp chuyên ngành mới đây, IAV cho biết, thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều thông tin phản ánh về nhiều trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận bảo hiểm. Bởi vậy, IAV cùng các thành viên thành lập Nhóm làm việc phòng chống trục lợi bảo hiểm nhằm giải quyết tình trạng này.

Thực tế, tình trạng gian lận bảo hiểm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng để xử lý triệt để vấn nạn này không thể diễn ra trong “ngày một, ngày hai”, mà cần có những điều chỉnh về hành lang pháp lý bảo hiểm để có thể ứng dụng dễ dàng, hiệu quả hơn trong thực tiễn, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân. Bởi vậy, trong lúc chờ đợi các giải pháp, các doanh nghiệp bảo hiểm cần “tự cứu lấy mình” bằng cách rà soát lại sản phẩm, siết chặt hơn các quy định liên quan đến bồi thường, tăng cường liên kết với các cơ sở y tế để đảm bảo tính minh bạch, khách quan...

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục