Một cơn bão lớn về sau được định danh là “khủng hoảng truyền thông” đổ bộ, bê bối trong hoạt động tư vấn dòng sản phẩm liên kết, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng được hé lộ. Hàng loạt khách hàng hủy hợp đồng, kiện cáo đòi lại tiền, cơ quan chức năng vào cuộc với nhiều lệnh siết lại hoạt động phân phối.
Hậu quả đến hôm nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn, doanh thu phí khai thác mới 2023 giảm so với năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục giảm 18,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng âm khiến mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 gần như không thể đạt được khi tỷ lệ này hiện nay mới chỉ đạt 11%.
Theo số liệu mới nhất thì doanh thu khai thác mới trong quý III/2024 đạt gần 6.000 tỷ đồng, đã tăng nhẹ so với cùng kỳ, dấu hiệu phục hồi mới nhen nhóm.
Nhưng dù như vậy, ngành bảo hiểm vẫn chưa thể vui mừng khi cũng trong quý III, một cơn bão khác mang tên Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã tạo nên mức bồi thường lịch sử của ngành. Tổng số tiền yêu cầu bồi thường về tài sản ước tính 10.595 tỷ đồng và cập nhật mới nhất tới đầu tháng 12/2024, số tiền chi trả bồi thường là gần 600 tỷ đồng, tương đương 6% yêu cầu bồi thường.
Hậu quả của bão Yagi sẽ được phản ánh rõ hơn trên bảng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm nay, nhiều doanh nghiệp đang rốt ráo xin ý kiến cổ đông điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2024.
Nhân tai và thiên tai liên tục đến đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tái cấu trúc lại mạnh mẽ hơn nữa, trong đó, cấu trúc chiến lược kinh doanh quan trọng hơn cả. Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn thấp, đó là “miếng bánh lớn” với bất cứ doanh nghiệp nào trên thị trường.
Tiếc rằng, với lĩnh vực nhân thọ, quá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, hầu hết là các doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế lớn lại chọn phương án bằng mọi cách phải “ăn miếng bánh” đó với tốc độ nhanh nhất, được nhiều nhất bất chấp hậu quả. Cuộc đua chiếm thị phần với cách thức “gặt lúa non” đã đi đến đáy khi khủng hoảng bùng phát, và nếu không thay đổi lại bằng hướng đi bền vững hơn thì có thể sẽ thêm những "cơn bão" mới còn đổ bộ.
Với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, cần phải nhắc lại rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu lớn, thiên tai còn diễn biến bất thường. Các doanh nghiệp bán bảo hiểm cũng cần phải biết bảo hiểm cho chính mình, ngoài ra cũng như ngành nhân thọ, bão nhân tai vẫn đang trực chờ khi mà dòng bảo hiểm sức khỏe được phân phối khá dễ dãi, lỗ kỹ thuật và tình trạng trục lợi rất cao...