Bảo hiểm phi nhân thọ thua lỗ hàng loạt do cạnh tranh

(ĐTCK-online) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) Việt Nam phát triển với tốc độ cao, tăng trưởng doanh số bình quân những năm gần đây xấp xỉ 30%/năm. Song mặt trái của bức tranh này là hiệu quả kém, tiềm ẩn rủi ro mất ổn định. Sự cạnh tranh không lành mạnh đã khiến hàng loạt DN BHPNT lỗ lớn về nghiệp vụ bảo hiểm.
Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm đều có tỷ lệ đã giải quyết bồi thường đến 45% phí bảo hiểm thu được. Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm đều có tỷ lệ đã giải quyết bồi thường đến 45% phí bảo hiểm thu được.

Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2008, có đến 16/25 DN (DN) BHPNT được cấp phép hoạt động bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, tổng số lỗ nghiệp vụ bảo hiểm toàn thị trường là163 tỷ đồng. Năm 2009, chỉ có 10 DN BHPNT có lãi với số lãi của từng DN bảo hiểm từ 1 tỷ đến 52 tỷ đồng nhưng toàn thị trường bảo hiểm lỗ nghiệp vụ bảo hiểm tới trên 200 tỷ đồng. Hậu quả là các DN BHPNT phải lấy lãi từ đầu tư tài chính bằng vốn chủ sở hữu (trong đó có thặng dư vốn phát hành cổ phiếu) và dự phòng để bù đắp. Từ đó, cổ tức chia cho cổ đông thấp, kém hấp dẫn trên thị trường chứng khoán. Không ít DN bảo hiểm có biên khả năng thanh toán thấp, thậm chí có một DN bảo hiểm lỗ tích lũy sau hơn 2 năm hoạt động lên tới 299 tỷ đồng, buộc phải tăng vốn chủ sở hữu từ công ty mẹ mới được tiếp tục hoạt động.

 

Chi "vô tội vạ" để cạnh tranh

Nguyên nhân của tình trạng thua lỗ nghiệp vụ bảo hiểm kéo dài triền miên và mang tính phổ biến trên là chi phí khai thác lớn và bồi thường tăng so với số phí bảo hiểm thu được.

Các DN mới bước vào hoạt động luôn chú trọng đến tiêu chí tăng trưởng doanh thu thông qua việc phát triển chi nhánh, đại lý với chính sách khoán lương và chi phí trên doanh thu phí bảo hiểm. Cơ chế khoán thúc ép các văn phòng, chi nhánh tìm mọi cách để có doanh thu mà không quan tâm tới hiệu quả (chi phí bồi thường cao). Bình quân trên thị trường, có đến 80%-85% số lượng chi nhánh của mỗi DN BHPNT có kết quả kinh doanh là con số âm.

Chi phí nghiệp vụ bảo hiểm cũng tăng lên do chính cái tiếng chiều khách của ngành này. Khách hàng bảo hiểm thường ký hợp đồng sau khi được DN bảo hiểm chăm lo tiệc tùng chiêu đãi vài ba lần, nhận quà cáp biếu xén... Có khách hàng còn chia nhỏ tài sản, đối tượng bảo hiểm để tham gia nhiều DN bảo hiểm khác nhau nhằm nhận được sự ganh đua chăm sóc từ các DN bảo hiểm; có khách hàng luôn triển khai thủ tục đấu thầu bảo hiểm, coi bảo hiểm là mua sắm thường xuyên (hàng năm) và năm nào cũng đấu thầu bảo hiểm. Những công việc trên làm phát sinh chi phí đáng kể cho các DN bảo hiểm, nhất là những DN bảo hiểm không thắng thầu.

 

Bán rẻ dịch vụ, "ôm" rủi ro hộ khách

Mỗi sản phẩm bảo hiểm có một mức phí nhất định đã được tính toán khoa học, tương ứng với những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, nhằm mở rộng khách hàng, nhiều đại lý bảo hiểm đã hạ phí hoặc mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm.

Sản phẩm bảo hiểm là bán lời cam kết bồi thường. Khách hàng mua bảo hiểm chưa thể đánh giá chất lượng bảo hiểm (chất lượng thực hiện lời cam kết bồi thường) nên chỉ chọn mua khi phí bảo hiểm thấp, thậm chí không quan tâm chi tiết đến phạm vi bảo hiểm (nội dung điều khoản, điều kiện bảo hiểm). Chính vì vậy, muốn giành giật khách hàng, DN đã hạ phí bảo hiểm.

Để tỏ ra tính hơn hẳn sản phẩm bảo hiểm của mình so với đối thủ cạnh tranh, các cán bộ khai thác bảo hiểm tìm cách mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm. Thậm chí, mở rộng sang cả những điều khoản bảo hiểm thuộc phạm vi bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm, đơn bảo hiểm khác như bảo hiểm cháy nổ mở rộng sang cả tai nạn xe cơ giới, tai nạn thương tật người lao động, đổ vỡ máy móc thiết bị. Một số điều khoản loại trừ bảo hiểm lại được mở rộng thành rủi ro được bảo hiểm. Mức khấu trừ để giành lại tổn thất nhỏ cho người được bảo hiểm gánh chịu để từ đó họ có trách nhiệm đề phòng hạn chế tổn thất nhưng lại bị hạ thấp hoặc loại bỏ làm mất ý nghĩa của biện pháp này.

Những việc làm trên được coi là cạnh tranh phi kỹ thuật song lại giữ nguyên phí bảo hiểm, thậm chí hạ thấp phí bảo hiểm tất yếu làm tăng khả năng phải bồi thường cao hơn, tỷ lệ bồi thường cao. Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm (tai nạn con người, hàng hóa, tàu biển, xe cơ giới, cháy nổ, kỹ thuật...) đều có tỷ lệ đã giải quyết bồi thường đến 45% phí bảo hiểm thu được. Nếu tính cả tổn thất đã xảy ra chưa giải quyết bồi thường (dự phòng bồi thường) lên tới 70% chưa kể dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng dao động lớn.

 

Hậu quả

Tình trạng cạnh tranh "bằng mọi giá" như trên khiến không ít DN bảo hiểm có biên khả năng thanh toán không cao, xấp xỉ mức mất khả năng thanh toán. Thậm chí đã có DN BHPNT mất hoàn toàn khả năng thanh toán, lỗ tích lũy sau 3 năm hoạt động lên tới 299 tỷ đồng trên 312 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, DN phải bổ sung vốn 20 triệu USD để đảm bảo đủ điều kiện tiếp tục được hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nếu tính trạng trên kéo dài, chắc chắn sẽ có DN bảo hiểm bị rút giấy phép, giải thể, phá sản.

Để có báo cáo tài chính đẹp, nhiều chi nhánh DN bảo hiểm phải gác lại những khoản đáng ra đã giải quyết bồi thường bằng cách chậm trễ, dây dưa đòi hỏi bổ sung, hoàn chỉnh thêm thủ tục giấy tờ để giải quyết bồi thường và sách nhiễu vòi vĩnh là không thể tránh khỏi. Thậm chí không ít chi nhánh tìm mọi lý do để cắt giảm tiền bồi thường như khách hàng thông báo tổn thất chậm, không hợp tác với DN bảo hiểm trong giải quyết tai nạn giám định, bên mua bảo hiểm cũng có lỗi... Nếu tiếp tục sự việc trên thì lòng tin của khách hàng với một số DN bảo hiểm nói riêng và với thị trường bảo hiểm nói chung sẽ ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Cổ tức của nhiều DN BHPNT trả thấp (vì phải bù đắp lỗ nghiệp vụ bảo hiểm) nên không hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước. BHPNT có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhưng rủi ro lớn, lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm là đáng lo ngại đối với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước muốn thành lập DN BHPNT tại Việt Nam.

 

Cách nào để giải quyết tình trạng trên

Để giải quyết tình trạng trên, cần sự nỗ lực hành động của cả DN bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và cơ quan quản lý.

Với DN bảo hiểm, cần phân cấp quản lý khai thác, giám định, bồi thường theo trình độ, năng lực quản lý của người đứng đầu chi nhánh công ty thành viên; có chế độ khoán quỹ lương và chi phí kết hợp với doanh thu và hiệu quả, trong đó doanh thu khoán cho lương cơ bản, hiệu quả khoán cho lương kết quả kinh doanh. Kiên quyết thu hẹp phạm vi hoặc tạm dừng hoạt động của chi nhánh nếu 3 năm thua lỗ. Ngoài ra, DN cần đầu tư, trang bị công nghệ thông tin cần thiết cho việc quản lý, khai thác, giám định, bồi thường, đánh giá rủi ro, kế toán quản trị (hạch toán cho từng chi nhánh, từng sản phẩm bảo hiểm) kết hợp với tăng cường kiểm soát nội bộ.

Đối với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cần có số liệu thống kê tổng hợp toàn thị trường và từng DN để phân tích đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cảnh báo rủi ro, tỷ lệ bồi thường, làm cơ sở tính phí bảo hiểm cơ bản cho thị trường; xây dựng quy tắc, điều khoản bảo hiểm mẫu cho toàn thị trường tham khảo được ghi nhận tại Thông tư 155: "... Bộ Tài chính khuyến khích các DN bảo hiểm thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để thống nhất quy tắc, điều khoản bảo hiểm mẫu...".

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, nên có mẫu biểu hướng dẫn các chi nhánh DN bảo hiểm báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, làm cơ sở thu hẹp hoặc đình chỉ phạm vi hoạt động của chi nhánh kém hiệu quả, đình chỉ người điều hành chi nhánh không đủ năng lực quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chi nhánh; nghiên cứu khả năng siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh BHPNT bằng biện pháp hành chính; cần có hướng dẫn thực hiện luật cạnh tranh, luật đấu thầu trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Trịnh Tuyết Nga Trưởng ban Phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Trịnh Tuyết Nga Trưởng ban Phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Tin cùng chuyên mục