Bảo hiểm phi nhân thọ: Thử thách chưa qua

(ĐTCK) Từng có tốc độ tăng trưởng “vàng” từ 25 - 30% trong giai đoạn 2006 - 2010, nhưng khối DN bảo hiểm phi nhân thọ đang đứng trước nhiều thách thức. Dự báo, tăng trưởng doanh thu của khối này trong năm 2012 chỉ đạt từ 13 -14%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 (17%).
Bảo hiểm phi nhân thọ: Thử thách chưa qua

Bảo hiểm phi nhân thọ: Thử thách chưa qua ảnh 1Liberty là một trong những DN bảo hiểm tập trung mạnh vào mảng bảo hiểm xe cơ giới

Nghiệp vụ truyền thống suy giảm

Thị trường bảo hiểm đang chứng kiến sự cạnh tranh, bám đuổi rất quyết liệt của các DN trong ngành. Thứ hạng trên thị trường cũng hứa hẹn có thay đổi với nhiều gương mặt mới lọt vào Top 10 DN có thị phần lớn nhất từ khối ngoại như Samsung Vina, Liberty . Nhờ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cao, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện điện thoại (chủ yếu do các DN Hàn Quốc sản xuất), Samsung Vina bứt phá với tốc độ tăng trưởng doanh thu gần 80% so với năm trước, vươn lên vị trí thứ hai về thị phần doanh thu bảo hiểm hàng hóa và duy trì vị trí thứ sáu của khối bảo hiểm phi nhân thọ từ quý I/2012 tới nay.

Với nhóm DN trong nước, CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) trụ hạng xuất sắc với tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 60%, thị phần từ 3,4% năm 2011 dự  báo sẽ lên trên 7% năm 2012. Ngược lại, một số công ty đã bật khỏi Top 10 như CTCP Bảo hiểm AAA, CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI), CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC).

Nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đang phải đối mặt với sự suy giảm của nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống, vốn mang lại phần lớn doanh thu cho DN trong những năm trước. Năm nay, doanh thu bảo hiểm tài sản thiệt hại dự kiến chỉ tăng 5%, từ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển tăng 9%, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu gần như không tăng trưởng.  

Cán bộ kinh doanh của một DN bảo hiểm luôn nằm trong Top 5 DN có  doanh thu phí bảo hiểm hàng hóa vận chuyển cao nhất thị trường cho biết, được kỳ vọng là nghiệp vụ chủ chốt nhưng năm 2012, nghiệp vụ này lại là một trong các nghiệp vụ “èo uột” nhất. “Ngay cả các khách hàng thân thiết cũng không mua bảo hiểm và không tái tục hợp đồng do khó khăn tài chính. Tới giờ, có thể khẳng định, việc hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2012 là không tưởng”, vị cán bộ trên nói. Để giảm rủi ro và san gánh nặng cho nghiệp vụ truyền thống, DN này đã phải bung ra một số sản phẩm cá nhân mới và khai phá các kênh phân phối bán lẻ như bancassurane, trực tuyến,…

 

Khai phá bán lẻ, không dễ

Chuyển sang khai thác thị trường bảo hiểm cá nhân còn nhiều tiềm năng bằng nhiều kênh phân phối mới là cách mà nhiều DN trong khối phi nhân thọ cùng hướng tới. Chẳng hạn, PTI, Liberty , CTCP Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) đã đẩy mạnh khai thác bảo hiểm xe cơ giới và đạt mức tăng trưởng cao, từ 20 – 30%. PVI, PTI đẩy mạnh khai thác bảo hiểm sức khỏe con người và đạt mức tăng ấn tượng từ 40 - 60%. Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC), AAA cũng chú trọng khai thác bảo hiểm con người…

Tuy nhiên, đây không phải là con đường trải sẵn hoa hồng. Bởi tiềm năng thị trường lớn, nhưng nhận thức cũng như nhu cầu về bảo hiểm lại chưa cao. Thêm vào đó, khó khăn kinh tế khiến người dân phải thắt chặt hầu bao, việc tham gia bảo hiểm sẽ được cân nhắc trên cơ sở giá phí cạnh tranh và đặc biệt là chất lượng dịch vụ đảm bảo... Đây không phải là điểm mạnh của hầu hết công ty bảo hiểm hiện nay. Ngoài ra, việc thay đổi cách thức kinh doanh từ chỗ mỗi hợp đồng bảo hiểm truyền thống thu phí hàng trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng thì nay khai thác bán lẻ với mỗi hợp đồng giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng, thậm chí là vài chục nghìn đồng là một khó khăn với các khai thác viên bảo hiểm. Đó là chưa kể tỷ lệ bồi thường của các sản phẩm cá nhân thường rất cao và đang tăng nhanh so với năm trước như xe cơ giới ước đạt khoảng 52%, bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người ước khoảng 46%.

Các kênh phân phối mới như bancassurance, trực tuyến, dù mang lại lợi thế lớn cho DN bảo hiểm nhưng vẫn ở dạng “tiềm năng”.  Một DN được coi là tiên phong trong bảo hiểm trực tuyến cho biết, dù doanh thu năm 2012 qua kênh phân phối bảo hiểm trực tuyến tăng trưởng khoảng 200% so với năm trước thì đây vẫn là một con số rất khiêm tốn, mang lại chưa tới 1% trong tổng doanh thu phí của toàn công ty. Một số DN tuyên bố sẽ chú trọng kênh đại lý cá nhân nhưng vẫn chưa thu được “quả ngọt” từ kênh này.

Năm 2013, GDP sẽ tăng khoảng 5,5%, thị trường bảo hiểm cũng được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức xung quanh 10%, nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn và thử thách vẫn chưa qua đối với các DN ngành bảo hiểm. Nhiều mảng bảo hiểm chủ lực vẫn chưa thể phục hồi, nên chiến lược chung của các công ty trong thời gian tới sẽ vẫn tập trung vào thị trường bán lẻ và các kênh phân phối cá nhân đầy cạnh tranh

Vũ Toan
Vũ Toan

Tin cùng chuyên mục