Bảo hiểm AAA đã mạnh dạn công bố tình trạng thua lỗ, nhằm tự cứu lấy mình
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), 8 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 14.919 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng này dù không cao so với những năm trước, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài, đây là con số khá ổn.
Tuy nhiên, nhiều DN không thể vui với con số tăng trưởng doanh thu, vì lợi nhuận vẫn âm. Tại Hội nghị khách hàng Bảo hiểm AAA vừa được tổ chức tại TP. HCM và Hà Nội, bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty thừa nhận, thời điểm này, không DN nào dám tuyên bố rằng mình không khó khăn và bản thân Bảo hiểm AAA cũng đang chịu nhiều thách thức vì thua lỗ nhiều năm.
Việc nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ thua lỗ không phải là chuyện mới của thị trường, nhưng Bảo hiểm AAA là trường hợp khá đặc biệt khi dám công khai câu chuyện kinh doanh thua lỗ của mình. Thực tế, đến thời điểm này, nguyên nhân thua lỗ của các DN bảo hiểm phi nhân thọ đã khá rõ ràng trên thị trường, xuất phát từ việc chạy theo tăng trưởng nóng. Phí bảo hiểm thấp do hạ phí để cạnh tranh; tỷ lệ tổn thất cao vì khách hàng được mở rộng không kiểm soát; chi phí hoạt động cao (nhiều chi nhánh mà hoạt động không hiệu quả). Ngoài ra, còn một vấn nạn khác mà các DN bảo hiểm đau đầu không kém, đó là nạn trục lợi bảo hiểm.
Đại diện Bảo hiểm AAA cho biết, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới tại Bảo hiểm AAA trong 7 năm qua chiếm tới 62%. Công ty đã giải quyết bồi thường hơn 10.000 vụ tai nạn lớn nhỏ cho khách hàng, với số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng. “Đây là một con số ‘khủng’ mà Ban điều hành buộc phải nhìn nhận lại rằng số tiền lớn ấy có thực sự về tay khách hàng hay lọt vào túi của các garage đang khéo che đậy rất nhiều mánh khóe trục lợi (?)”, bà Liên chia sẻ. Đứng trước sự sống còn của DN mình, bà Liên cho rằng, Bảo hiểm AAA không còn cách nào khác là mạnh dạn trút bỏ “xiêm áo” cũ, thay vào đó là nỗ lực tìm kiếm những đối tác có tâm và có tầm, cùng chí hướng, vừa để cứu lấy mình, vừa kích cầu thị trường.
Không chỉ sàng lọc khách hàng, việc thận trọng mở rộng mạng lưới, thậm chí là tăng phí đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm (trước đó đã bị chính các DN hạ xuống để giành khách) có lẽ cũng là biện pháp “chống lỗ” của nhiều DN bảo hiểm hiện nay. Tất nhiên, việc chọn lọc khách hàng cũng đồng nghĩa với việc doanh thu giảm, nhưng thời điểm này, doanh thu “ảo” không còn là điều các DN bảo hiểm mong muốn. Bảo hiểm Bảo Minh hồi đầu năm cũng đã tuyên bố rà soát lại tình hình kinh doanh của các chi nhánh để có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Trong khi, tại một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian gần đây, người của Tập đoàn cũng bay sang liên tục để rà soát, cắt giảm các kế hoạch chi tiêu.
Lợi nhuận của các DN bảo hiểm từ trước đến nay chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, còn với nghiệp vụ chính là kinh doanh bảo hiểm thì rất ít DN có lãi. “Nhưng năm nay, các kênh đầu tư tài chính gặp nhiều khó khăn. Các DN bảo hiểm chủ yếu thu lãi từ gửi ngân hàng. Cơ cấu lại DN là điều yêu cầu cấp bách đối với các DN bảo hiểm lúc này, bởi nhiều DN đã đứng trước câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại?”, một chuyên gia trong ngành nhận định.