Bảo hiểm nông nghiệp: Giảm phí, tăng người mua

(ĐTCK) Bộ tài chính vừa có quyết định điều chỉnh một số điểm trong việc thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp như giảm phí bảo hiểm đối với cây lúa và một số vật nuôi, tăng mức bảo hiểm và kéo dài thời hạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Hồ Hải Đăng Ông Hồ Hải Đăng

Trao đổi với ĐTCK về những thay đổi này, ông Hồ Hải Đăng, Phó Giám đốc Ban Bảo hiểm nông nghiệp - Bảo Minh cho biết, vì trong giai đoạn thí điểm, nên việc điều chỉnh cho phù hợp hơn là cần thiết.

Bộ tài chính vừa có thông báo sẽ lùi thời gian thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đến hết tháng 6/2014. Vì sao việc thí điểm này lại được kéo dài thêm 6 tháng, thưa ông?

Để đánh giá một sản phẩm bảo hiểm mới, cần thời gian tương đối lâu, trung bình là khoảng 5 năm, các nước phát triển phải dựa vào số liệu 20 năm. Chính vì thế, 3 năm thí điểm đối với bảo hiểm nông nghiệp được cho là thời hạn không thể ngắn hơn, sau đó mới có thể đánh giá, rút ra những cách làm lâu dài sau này. Thực tế, theo Quyết định 315/QĐ-TTg ký ngày 01/3/2011, đến 31/12/2013 là 2 năm và 10 tháng thí điểm, cũng chưa đủ 3 năm, và còn phải trừ đi thời gian chuẩn bị.

Doanh nghiệp bảo hiểm được giao thí điểm đã phải gấp rút thực hiện, nhưng thực tế, phải đến cuối tháng 12/2011 mới có thể tiến hành. Như vậy, nếu không tăng thời gian thí điểm thì chỉ còn đúng 2 năm. Theo quan điểm của cá nhân tôi, thời gian đó sẽ không đủ để các doanh nghiệp bảo hiểm thu thập dữ liệu để có thể đánh giá chính xác được thực trạng. Chính vì vậy, việc kéo dài thêm là phù hợp, nhằm có đủ thời gian để doanh nghiệp đánh giá, rút ra những cách làm thực tế, chính xác.

 

Vậy sau hơn 1 năm chính thức triển khai bảo hiểm nông nghiệp, ngoài những mặt đã đạt được và những khó khăn đã lường trước, có phát sinh vấn đề gì không?

Thực ra, cũng có khá nhiều khó khăn phát sinh ngoài dự kiến. Nhưng hiện tại, có 2 vấn đề nổi cộm hơn cả. Thứ nhất, tình hình chăn nuôi đang thua lỗ, các nhà nông đang rất dè dặt đầu tư cho mảng này. Chính vì vậy, sản lượng không lớn và đang bị giảm mạnh. Vấn đề này cũng đã ảnh hưởng đến việc triển khai thí điểm bảo hiểm vật nuôi so với nghiệp vụ khác. Thứ hai, việc kiểm soát quy trình nuôi, kiểm soát lịch thời vụ, bồi thường và dịch bệnh thủy sản (tôm và cá) là khá khó khăn do địa bàn rộng, thả nuôi theo mùa vụ và đồng loạt. Dù đã được các cấp chính quyền tích cực vào cuộc và hỗ trợ nhiều mặt, nhưng vẫn cần nguồn nhân sự lớn từ các công ty bảo hiểm mới có thể hoàn tất.

 

Ông có thể cho biết tình hình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Bảo Minh. Đặc biệt là tình hình thu phí và bồi thường?

Đến nay, Bảo Minh đã tiến hành bồi thường hơn 10 tỷ đồng, trong khi đó, phí thu được hơn 45 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường đang trong mức chấp nhận được. Tuy nhiên, do mới triển khai, nên chưa đánh giá được hiệu quả thực sự, chưa có dự phòng phí năm trước. Kết quả cuối năm 2012 khả năng vẫn bị lỗ về nghiệp vụ, vì từ nay đến cuối năm còn phải thực hiện nhiều vụ bồi thường tồn đọng và phát sinh mới.

 

Trong quyết định mới, Bộ Tài chính cũng cho phép mở rộng rủi ro bảo hiểm được bảo hiểm và hạ phí bảo hiểm một số lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp. Việc này có làm tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm không, thưa ông?

Mở rộng rủi ro và hạ phí đã được tính toán bởi các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm và được kiểm duyệt bởi Bộ Tài chính. Thực tế, tỷ lệ phí bảo hiểm gia súc và gia cầm đã được tính toán lại và áp dụng theo chu kỳ nuôi, thay vì theo năm bảo hiểm như trước đó. Phí bảo hiểm cho trâu bò trước đây tương đối cao và chưa thu hút được số đông tham gia, đặc biệt là đối tượng hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo. Chính vì vậy, việc giảm phí nhằm tăng số đông là một trong các cải tiến giúp cho chương trình thành công hơn. Một sản phẩm bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nông nghiệp nói riêng chỉ có thể đánh giá được khi có đủ số đông nhất định, tỷ lệ phí cao mà số đông không đủ thì sẽ làm mất cân đối nguồn tài chính. Đặc biệt, đối với bảo hiểm nông nghiệp, với đặc thù là địa bàn được bảo hiểm trải rộng, số đông tham gia bảo hiểm trải rộng trên nhiều địa bàn sẽ giảm được sự tích tụ rủi ro, khả năng tài chính của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều.

Giải pháp giảm phí của Nhà nước nhằm tăng số đông tham gia có thể sẽ làm giảm tỷ lệ doanh thu ước tính, nhưng không tăng nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là khi có đủ số đông thì dòng tiền của doanh nghiệp được ổn đinh hơn, nên sẽ được luân chuyển hiệu quả hơn. Hơn nữa, tất cả các đơn bảo hiểm đều được tái bảo hiểm ở mức độ an toàn, rủi ro về tài chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm là không cao và trong mức cho phép.

Ngọc Lan thực hiện.
Ngọc Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục