Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đại lý/tư vấn bảo hiểm vẫn là kênh phân phối chính thì việc tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong phát triển đội ngũ này là yếu tố tiên quyết để thay đổi cái nhìn về bảo hiểm nhân thọ trong mắt khách hàng.
Dai-ichi Life Việt Nam vừa khai trương Trung tâm đào tạo - phát triển nhân lực Dai-ichi Life Việt Nam, cung cấp các chương trình huấn luyện và đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu dành cho nhân viên, đội ngũ kinh doanh và tư vấn tài chính của Công ty, giúp trang bị nền tảng kiến thức về bảo hiểm nhân thọ cũng như kỹ năng bán hàng cá nhân, năng lực quản lý, các năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm theo chuẩn đào tạo quốc tế của ngành bảo hiểm.
Theo ông Trần Đình Quân, Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, khai trương Trung tâm là một trong những động thái hiện thực hóa chiến lược nâng tầm chất lượng phục vụ và mang lại những tiện ích cao cấp nhất cho khách hàng, hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn Trung tâm đào tạo - phát triển nhân lực Dai-ichi Life Việt Nam sẽ là bước đệm để đào tạo một lực lượng nhân sự chuyên môn cao, năng lực vững vàng, làm cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình tư vấn tài chính cá nhân chuyên sâu trên toàn quốc, đưa Công ty phát triển đồng đều và mạnh mẽ về cả nội lực, chất lượng và quy mô hoạt động”, ông Quân nói.
Cùng với các mô hình đào tạo đại lý/tư vấn tài chính theo quy định thì việc công ty bảo hiểm triển khai trung tâm đào tạo nhân lực chuyên sâu trong ngành thể hiện quyết tâm nâng tầm chất lượng. Dai-ichi Life Việt Nam không phải công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên phát triển mô hình này.
Cuối năm 2017, Prudential Việt Nam đã chia sẻ những thông tin đầu tiên về một trung tâm đào tạo những chuyên gia tài chính chuyên nghiệp mới.
“Ở đây, các chuyên gia tài chính trong tương lại sẽ được đào tạo về kỹ năng, về lấy bằng/chứng chỉ, về cách ăn mặc, trò chuyện, khai thác nhu cầu khách hàng…”, đại diện Dai-ichi Life Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, là một phần thúc đẩy Manulife tiếp tục đầu tư, cải tiến và triển khai các chương trình đào tạo toàn diện cho sự phát triển của tư vấn viên, Trung tâm phát triển nghề nghiệp (CPD) của hãng bảo hiểm này ra đời vào năm 2015 như là một "Trung tâm chuyên môn" của Cơ quan đào tạo tư vấn viên của Manulife Việt Nam.
Ông Kim Fleming, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hệ thống đại lý Manulife Việt Nam cho biết, CPD đặt ra những tiêu chuẩn mới trong công tác huấn luyện chuyên nghiệp cho các đại lý và nhà quản lý, tập trung vào các phương pháp, hệ thống thực tế đã được kiểm chứng cũng như các kỹ thuật xây dựng mối quan hệ để nâng cao hiệu quả với khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện hữu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, các trung tâm/học viện đào tạo đại lý/tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp này chính là một trong những bước đi tiếp theo để các công ty bảo hiểm nhân thọ hoàn tất quy trình tuyển dụng đào tạo đội ngũ đại lý chuyên nghiệp toàn thời gian đã được manh nha phát triển từ những năm trước nhưng chưa hoàn thiện.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, một số công ty triển khai mô hình đại lý toàn thời gian chưa thành công vì họ vẫn bị vướng giữa tập trung phát triển mô hình này và phát triển doanh thu. Việc hụt chỉ tiêu doanh thu có thể khiến các bộ phận muốn thay đổi chiến lược ban đầu. Một vài lần điều chỉnh như vậy sẽ khiến mô hình này phát triển không đúng như kế hoạch ban đầu. Việc thiếu kinh nghiệm thực tế khi triển khai mô hình cũng là một lý do.
“Đại lý toàn thời gian tuy là mô hình mới tại Việt Nam nhưng không phải là mô hình mới trên thế giới. Để phát triển tốt, phải toàn tâm toàn ý. Với công ty chúng tôi, đây không phải là một thử nghiệm chơi, mà là thử nghiệm ban đầu để tiếp tục hoàn thiện và phát triển mô hình này ở những bước cao hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.