Thay đổi cách thức quản trị
Theo thống kế sơ bộ của các doanh nghiệp nhân thọ, hoạt động khai thác phí bảo hiểm tính đến hết tháng 7/2023 chưa có dấu hiệu hồi phục. Doanh thu khai thác mới tại tất cả các kênh từ đại lý đến liên kết qua ngân hàng của hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, doanh thu khai thác mới tháng 7 còn thấp hơn cả tháng 6, đây là điều gây bất ngờ vì hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi dần từ quý II/2023.
Sau khủng hoảng truyền thông, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dường như “ngấm đòn” sâu hơn từ suy thoái kinh tế. Số liệu công bố trước đó của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy bức tranh ảm đạm của khối này với số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2%; tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9%.
Trước khó khăn bủa vây, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp vượt khó. Trong diễn biến mới nhất, hãng bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam vừa chính thức ký kết hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Công nghệ FIMI (FIMI). Theo thỏa thuận được ký kết, bắt đầu từ ngày 8/8/2023, FIMI sẽ tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của mình trên toàn quốc, từ dòng bảo hiểm tử kỳ đến các dòng bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hỗn hợp dành cho trẻ em.
Trước đó, Shinhan Life Việt Nam đã khởi động dự án triển khai hệ sinh thái số (Eco Systems) cho hoạt động kinh doanh. Bước đi này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cách thức quản trị, tạo đà phát triển kinh doanh cho Công ty trong thời gian tới.
Được biết, Eco Systems là một hệ sinh thái chung, kết nối toàn bộ đội ngũ kinh doanh và thống nhất tất cả các hoạt động từ tuyển dụng, đào tạo, nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc trao đổi thông tin trực tiếp với khách hàng... chỉ trên một nền tảng công nghệ duy nhất. Hiện nay, Shinhan Life Việt Nam là đơn vị đi đầu trên thị trường bảo hiểm nhân thọ trong việc tích hợp tổng thể các hệ thống số phục vụ hoạt động kinh doanh vào một hệ sinh thái số duy nhất.
Theo báo cáo “Quan điểm của các giám đốc công nghệ năm 2023” từ Gartner - công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, hơn một nửa các giám đốc công nghệ (CIO) trong lĩnh vực bảo hiểm thể hiện lập trường sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào công nghệ trong năm 2023. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng doanh thu, cải thiện trải nghiệm khách hàng và quy trình hoạt động sẽ là ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo công nghệ ngành bảo hiểm.
Khảo sát mới đây của Vietnam Report cũng cho thấy, có 72,7% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát nhấn mạnh rằng, công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm là cơ hội lớn nhất thúc đẩy sự phục hồi cho toàn ngành.
Trong chiến lược phát triển lâu dài, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life) cũng tin rằng, công nghệ chính là chìa khóa trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Vì vậy, trong thời gian tới, MAP Life tiếp tục xác định nhiệm vụ chuyển đổi số trong quy trình quản trị doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, tại thông báo nhậm chức, ông Anantharaman Sridharan - tân Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam cho biết, Việt Nam luôn là thị trường năng động và giàu tiềm năng tại châu Á. Vì thế, FWD Việt Nam sẽ tiếp tục mang những sản phẩm và dịch vụ đơn giản, dễ hiểu, được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số đến với nhiều người Việt hơn, từ đó tiếp tục thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm. Được biết, Tập đoàn FWD vừa nâng vốn điều lệ của FWD Việt Nam lên 19.102 tỷ đồng, qua đó khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Kênh đại lý lại lên ngôi
Theo thống kế sơ bộ của các doanh nghiệp nhân thọ, hoạt động khai thác phí bảo hiểm tính đến hết tháng 7/2023 chưa có dấu hiệu hồi phục. Doanh thu khai thác mới tại tất cả các kênh từ đại lý đến liên kết qua ngân hàng của hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm.
Cùng với đàm phán lại với các ngân hàng để thống nhất các giải pháp kinh doanh hiệu quả nhất, hỗ trợ tối đa cho các kênh khai thác kinh doanh, đặc biệt là tạo động lực cho kênh đại lý sau thời gian dài cả tuyển dụng mới và khai thác mới qua kênh này đều giảm sút, các doanh nghiệp bảo hiểm đang “tung” ra nhiều chương trình thu hút ứng viên mới cũng như “truyền lửa” cho khối này.
Với mục tiêu nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua cải thiện chất lượng tư vấn của đội ngũ kinh doanh, sau 2 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP HCM, từ trung tuần tháng 7/2023, Chubb Life Việt Nam chính thức triển khai Chương trình huấn luyện khởi nghiệp thành công bằng hình thức eLearning trên phạm vi toàn quốc. Chương trình này sẽ tiếp nối hành trình mở rộng hệ sinh thái số tại Chubb Life Việt Nam, mang đến sự đa dạng trong hình thức huấn luyện, đề cao tính linh hoạt trong học tập, mà vẫn đảm bảo chất lượng của người học. Đây được xem là bước tiến mới của Chubb Life Việt Nam trên hành trình số hóa, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, xây dựng một đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp có “tâm” và “tầm”...
Trong một diễn biến khác, AIA Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ triển khai các chương trình đào tạo, trang bị nền tảng kiến thức về chăm sóc sức khỏe cá nhân và kiến thức y học thường thức cho đội ngũ tư vấn viên. Điều này không chỉ phù hợp với tuyên ngôn thương hiệu Công ty, mà còn chuyển đổi dịch vụ - tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm, thúc đẩy và phát triển sự hiểu biết về tài chính cũng như lối sống lành mạnh.
Cùng với việc đưa vào các chương trình tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện mới, các vướng mắc về cách tính thuế thu nhập đối với các cấp đại lý theo quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng đang được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tìm hướng tháo gỡ.
Được biết, theo định nghĩa mới, hoạt động quản lý đại lý không được xem là hoạt động đại lý và từ đó, thu nhập từ hoạt động quản lý đại lý có thể bị áp dụng biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần và khi đó sẽ phát sinh khá nhiều thủ tục cho nhóm đối tượng này trong việc kê khai, quyết toán thuế, thay vì chỉ áp dụng 1 mức 5%/thu nhập từ hoạt động đại lý và doanh nghiệp được thực hiện khấu trừ tại nguồn.
Hiện IAV đang tích cực thu thập thông tin, đánh giá tác động của sự thay đổi này đối với hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm (sụt giảm quy mô, số lượng đội ngũ bán hàng; phát sinh thủ tục hành chính cho đội ngũ quản lý đại lý phải đi kê khai, quyết toán thuế; phát sinh thủ tục hành chính cho đội ngũ quản lý đại lý muốn thực hiện đăng ký hộ cá nhân kinh doanh để được hưởng mức thuế suất cố định theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC). Từ đó, IAV sẽ tổng hợp để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bảo hiểm.