GA của doanh nghiệp bảo hiểm này bị doanh nghiệp bảo hiểm khác hớt tay trên không phải là chuyện gì xa lạ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong 2 năm qua, đã từng có những cuộc tranh luận khá gay gắt giữa những chủ thể liên quan đến câu chuyện này. Tuy nhiên, sau thời kỳ đó, câu chuyện này tạm bị lãng quên.
GA là gì và vì sao câu chuyện cạnh tranh của mô hình này lâu lâu lại tái diễn?
Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia trong ngành cho biết, trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện nay, cùng với mô hình đại lý, để phát triển mạng lưới phân phối bảo hiểm nhân thọ và phục vụ khách hàng trên toàn quốc, một số công ty bảo hiểm phải dựa vào mô hình Tổng đại lý bảo hiểm.
Tổng đại lý bảo hiểm là một doanh nghiệp kinh doanh độc lập và ký hợp đồng Tổng đại lý bảo hiểm với một công ty bảo hiểm để hoạt động như một đại lý tổ chức. Chức năng chính của Tổng đại lý là phục vụ khách hàng và hỗ trợ đại lý của công ty bảo hiểm trong việc tư vấn và phân phối sản phẩm, dịch vụ.
Với hệ thống Tổng đại lý, các công ty bảo hiểm không cần mở văn phòng, chi nhánh công ty ở các thị trường vừa và nhỏ, chỉ cần tập trung ở những thành phố lớn nhưng vẫn phát triển kinh doanh được trên toàn quốc.
Prudential là doanh nghiệp đầu tiên triển khai mô hình này thành công năm 2003. Đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra cho các công ty khác như AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam hay Generali….
Đây là mô hình hoạt động thường thấy trong ngành bảo hiểm nhân thọ ở các nước có dân số đông và lãnh thổ tương đối rộng lớn trong vùng như Indonesia, Malaysia…
Không thể phủ nhận vai trò của mô hình GA trong việc phát triển và mang lại doanh thu phí mới khá tốt cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên các chuyên gia trong ngành cũng nhìn nhận, dù tiết kiệm chi phí và mang lại doanh thu cho các công ty bảo hiểm nhân thọ nhưng mô hình này cũng đang cạnh tranh khá gay gắt giữa các công ty.
Chính vì thế, trong 17 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam không phải công ty nào cũng triển khai mô hình này.
Trở lại câu chuyện lôi kéo GA đang nóng lại hiện nay. Chiêu câu kéo GA không có gì đặc biệt, nhưng hiệu quả... rất tốt. Vẫn là những cuộc cà phê trao đổi và hứa hẹn lợi nhuận tiền bạc với những GA đang phát triển tốt của doanh nghiệp bạn.
Thực tế, GA đến rồi đi cũng tương tự như các đại lý bảo hiểm đến công ty này rồi qua công ty khác và tình trạng này chưa bao giờ kết thúc. Câu chuyện hiện lại được xới lên và một số doanh nghiệp đã phải bày tỏ bức xúc với cơ quan chức năng vì GA của mình bị kéo đi khá nhiều. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng biết, khó có thể giải quyết triệt để vấn đề này vì GA cũng kinh doanh nên nơi nào mang lại lợi nhuận nhiều họ sẽ đi theo.
Các GA đều ký hợp đồng hợp tác từ 1 đến 3 năm với các doanh nghiệp bảo hiểm, hết hợp đồng họ có thể làm cho công ty khác, nhưng với GA muốn “dứt áo ra đi”, họ sẵn sàng bồi thường hợp đồng vì lợi nhuận bên mới cam kết có thể bù đắp được cả phần bồi thường này.
Dù vẫn phải phản ánh hiện tượng này cho các cơ quan chức năng nhưng bản thân các doanh nghiệp đang phát triển kênh GA cũng xác định “sống chung với lũ”. Chính vì thế, các công ty tiếp tục mở thật nhiều Văn phòng GA, ngay một địa bàn có thể có 2 đến 3 GA và chấp nhận chuyện “gà cùng một mẹ” cạnh tranh với nhau bởi như vậy còn hơn chỉ phát triển một địa bàn một GA để khi bị công ty khác lấy, địa bàn đó bị bỏ trống. Bên cạnh đó, để hạn chế việc ra đi quá dễ dàng của các GA, một số công ty bảo hiểm đang phát triển mô hình này đã phải có những đổi mới trong phương thức hợp tác với GA…
Tuy nhiên, những giải phát này vẫn chưa phải là giải pháp tuyệt đối, bản thân các doanh nghiệp bị lấy cũng như đi lấy GA đều hiểu, trong cuộc chiến này người chiến thắng phải có nhiều tiền. Phải có nhiều tiền mới lấy được GA mình đang mong muốn nhưng GA mua về có phát triển như doanh nghiệp kỳ vọng hay không lại là câu chuyện khác.
Có lẽ, trong cuộc cạnh tranh này chỉ có GA là lên giá.