Điều chỉnh chiến lược phát triển
Quyết định điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng giảm tốc độ tăng trưởng phí mới của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khai thác mới của toàn khối. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tốt để doanh nghiệp cân bằng bài toán chất và lượng đối với những hợp đồng khai thác mới.
“Tại thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới khoảng 20% là tốt nhất”, một chuyên gia trong ngành nói. Đây là mức tăng trưởng bình quân của khối bảo hiểm nhân thọ khoảng 4 năm trở về trước.
Những năm gần đây, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt ngưỡng 30%. Tốc độ tăng trưởng này có được là do các công ty đều đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới, ký kết thêm nhiều kênh hợp tác mới đẩy mạnh doanh thu khai thác mới để giành thị phần.
Không chỉ có công ty bảo hiểm mới vào thị trường hay có thị phần còn nhỏ đẩy mạnh chiến lược này, mà một số công ty bảo hiểm có thị phần lớn cũng liên tục mở rộng đại lý phát triển kênh mới. Hệ lụy của việc tăng trưởng nóng là có những hợp đồng ảo, thậm chí có cả đại lý ảo. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đối mặt với bài toán chất lượng hợp đồng, phí tái tục, chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được.
“Chúng tôi đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược tăng trưởng từ cuối năm 2018 và sẽ tiếp tục chiến lược này trong năm 2019 để có một số chỉnh sửa về chính sách”, lãnh đạo cấp cao của một hãng bảo hiểm đang có tốc độ tăng trưởng khai thác phí mới cao gấp đôi thị trường chia sẻ.
Việc điều chỉnh của hãng bảo hiểm trên, chiếm thị phần nhóm đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới khoảng 50 - 60%/năm trong những năm qua, có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn thị trường năm 2019. Tuy nhiên, việc giảm tốc để nhìn lại và điều chỉnh chính sách theo hướng phát triển bền vững hơn sau một thời gian tăng trưởng nóng là chiến lược cần thực hiện và thực tế tại thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có không ít doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chiến lược này.
Tiếp tục đầu tư vào công nghệ
Cùng với việc điều chỉnh chiến lược phát triển của một số doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2019 được nhận định sẽ vẫn tập trung đầu tư vào công nghệ bảo hiểm (InsurTech). Tuy được khởi xướng từ các nước Âu, Mỹ, nhưng thị trường châu Á được dự báo sẽ là mảnh đất màu mỡ của InsurTech nhờ vào đặc trưng dân số đông và trẻ, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh đang gia tăng mạnh mẽ và mức độ hưởng ứng của khách hàng đối với công nghệ và những trải nghiệm mới mẻ rất cao.
Trong những năm gần đây, InsurTech đã tạo ra sự chuyển mình của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Rõ nét nhất là việc các công ty bảo hiểm đẩy mạnh trang bị các công cụ kỹ thuật số, các ứng dụng thông minh cho đội ngũ nhân viên, tư vấn viên, áp dụng công nghệ số vào việc cải tiến dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, bước đầu đẩy mạnh việc thiết kế và phân phối các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến...
Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, sự chuyển đổi này sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ bởi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải sáng tạo và phù hợp với từng cá nhân hơn, dịch vụ phải thuận tiện và mang lại trải nghiệm phải thú vị hơn.
Những công ty nào biết ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) nói riêng, cũng như công nghệ kỹ thuật số nói chung một cách hiệu quả sẽ có cơ hội tăng trưởng cao. Bởi lẽ, các công nghệ này giúp cho việc nghiên cứu nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng toàn diện hơn, qua đó tiếp cận và đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng tốt hơn.
Được biết, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý này đang ráo riết chuẩn bị để có thể giới thiệu thêm một số công nghệ mới với tính năng đặc biệt, phục vụ nhu cầu của khách hàng và đội ngũ tư vấn viên trong thời gian tới. Generali Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm và hậu thuẫn mạnh mẽ của Tập đoàn và chiến lược phát triển của Generali tại Việt Nam sẽ vẫn đi theo chủ trương của Tập đoàn và những gì hãng bảo hiểm này theo đuổi trong vài năm qua.
Đó là ưu tiên phát triển sản phẩm - dịch vụ, tối đa hóa ưu thế về công nghệ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; đồng thời phát triển thêm các kênh phân phối mới như thương mại điện tử (e-commerce) để nắm bắt những cơ hội mới của thời kỳ công nghệ số.
Trong khi đó, chia sẻ với truyền thông trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Manulife nói rằng, những quy trình phức tạp và lâu năm của ngành bảo hiểm là thách thức nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy Manulife tiến đến việc đơn giản hóa các dịch vụ cho khách hàng và vì khách hàng.
Chẳng hạn, Manulife đã sử dụng công nghệ để giúp các đại lý thắt chặt mối quan hệ với khách hàng. Hãng bảo hiểm đến từ Canada này cũng đã đưa ra giải pháp tư vấn điện tử trong thị trường, bao gồm cả Việt Nam. Ứng dụng này được cài đặt sẵn trên trên iPad của tư vấn viên tài chính. Họ không cần sử dụng các tài liệu tư vấn bằng giấy để tương tác với khách hàng, tạo ra một quy trình phục vụ khép kín, bao gồm cả việc thẩm định hồ sơ khách hàng tự động
Theo ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Aviva Việt Nam, cùng với Insurtech thì big data sẽ khiến cả ngành bảo hiểm phải thay đổi mới phát triển kịp theo xu hướng mới.
“Phần lớn thế giới chuyển qua digital marketing, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và đó là xu hướng. Tất nhiên, thị trường Việt Nam chưa thể phát triển nhanh như vậy, vì hạ tầng dữ liệu của Việt Nam chưa đủ mạnh để phát triển như các nước trong khu vực châu Á”, ông Paul Nguyễn nói.
Lạc quan vào phân khúc khách hàng mới
Việt Nam là một quốc gia trẻ với 70% dân số ở độ tuổi dưới 35 và tầng lớp trung lưu mới nổi đang chiếm 13% dân số nhưng dự kiến sẽ đạt 26% vào năm 2026 (nguồn: Ngân hàng Thế giới), đây chính là phân khúc khách hàng tiềm năng mà các công ty bảo hiểm nhắm tới. Cùng với đó, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và mức tăng trưởng kinh tế vượt trội là yếu tố thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số học cũng như thành phần xã hội mang lại nhiều cơ hội cho các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Trong những năm qua, nhu cầu về bảo hiểm của người Việt Nam, đặc biệt là phân khúc khách hàng thành thị, đã có nhiều thay đổi theo sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.
Trước đây, người dân chọn mua bảo hiểm nhân thọ không chỉ vì yếu tố bảo vệ, mà còn là một kế hoạch tiết kiệm để trang trải chi phí giáo dục của con cái và kế hoạch nghỉ hưu sau này. Tuy nhiên, gần đây, họ còn thể hiện sự quan tâm lớn hơn đến đầu tư và chủ động hơn trong việc gia tăng tài sản của mình.
Trong phân khúc bảo hiểm đầu tư, các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung sẽ là những lựa chọn phù hợp hơn với những khách hàng chưa có nhiều kiến thức về đầu tư. Tuy nhiên, với những khách hàng có nhiều hiểu biết về thị trường tài chính và có nhu cầu tích luỹ tài sản, đồng thời tìm kiếm sự bảo vệ tài chính, thì bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm có sức hút hơn.
Dù đang chiếm tỷ trọng doanh thu còn rất nhỏ so với các sản phẩm khác, nhưng bảo hiểm liên kết đơn vị dự kiến sẽ có những thay đổi bởi đây là dòng sản phẩm sẽ được một số công ty bảo hiểm đẩy mạnh trong năm 2019. .