Trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 60% trong cơ cấu đầu tư của các DN bảo hiểm nhân thọ
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, huy động vốn qua thị trường trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt khá cao, do trái phiếu chính phủ đã thu hút được sự quan tâm của các thành viên thị trường. Prudential Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước ghi nhận và biểu dương vì đã tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (trong Báo cáo theo dõi thị trường trái phiếu châu Á đưa ra hồi đầu năm 2012) cũng nhận định, trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong vài năm tới. Nhận định này xuất phát từ thực tế nhiều ngân hàng và DN có nhu cầu về vốn để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự xuất hiện nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của các tổ chức, đặc biệt là các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm.
Thực tế, việc đầu tư vào thị trường trái phiếu ở thời điểm lãi suất cao đã đem lại khoản lãi lớn cho các DN bảo hiểm. Đầu tháng 4/2012, Prudential Việt Nam quyết định chi thưởng bảo tức trị giá 430 tỷ đồng cho khoảng 104.000 khách hàng của Công ty. Đây là lần thứ hai Prudential công bố thưởng bảo tức đặc biệt cho khách hàng của mình. Năm 2007, Prudential đã công bố bảo tức đặc biệt trị giá 521 tỷ đồng cho khoảng 740.000 khách hàng, nhờ hoạt động đầu tư thành công của Công ty. Đại diện Prudential cho biết, Công ty quyết định chi trả bảo tức này là do kết quả hoạt động đầu tư tốt hơn mong đợi, khi mục tiêu đầu tư đã đạt được lợi nhuận ổn định thông qua việc lựa chọn đầu tư vào các loại tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu doanh nghiệp…
Cũng nhờ kết quả kinh doanh vượt trội, Dai-ichi Life Việt Nam đã quyết định duy trì mức lãi suất 10,5%/năm ổn định đến hết tháng 9/2012 cho tất cả khách hàng tham gia sản phẩm An Thịnh Chu Toàn, dù tình hình kinh tế đang có nhiều biến động, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn của các ngân hàng đã đồng loạt giảm.
Tương tự, AIA Việt Nam nhờ khoản đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu lúc lãi suất cao mà mới đây, Công ty đã mạnh dạn cam kết trả lãi suất 8%/năm trong vòng 5 năm trên số phí bảo hiểm đã đóng cho một sản phẩm mới liên kết với ngân hàng, bất kể lãi suất huy động có xuống thấp đến mức nào.
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ luôn thận trọng trong đầu tư. Cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành có tính an toàn cao, với khoảng 60% tổng tài sản đầu tư vào trái phiếu chính phủ, 15% tổng tài sản đầu tư vào tiền gửi ngân hàng. Các kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao như cổ phiếu, góp vốn kinh doanh chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 8% tổng tài sản đầu tư. Việc lựa chọn các kênh đầu tư có tính an toàn cao, các DN trong ngành có tỷ suất đầu tư (doanh thu đầu tư/tổng tài sản đầu tư bình quân) ổn định ở mức 11,8%.
Cũng theo Cục quản lý giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn tuân thủ quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ và thận trọng trong việc sử dụng cơ sở kỹ thuật để tính toán dự phòng nghiệp vụ. Mặc dù lãi suất đầu tư trung bình trên thị trường khoảng 12 - 14%/năm, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng lãi suất kỹ thuật để trích lập dự phòng là dưới 7%/năm.