Bảo hiểm nhân thọ 2020: Trong nguy có cơ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành bảo hiểm là rõ ràng, song cơ hội từ đây cũng xuất hiện, đặc biệt với mảng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của khối nhân thọ.
Để hoàn thiện trải nghiệm khách hàng, các công ty bảo hiểm tập trung mở rộng phạm vi cho các dịch vụ gia tăng giá trị Để hoàn thiện trải nghiệm khách hàng, các công ty bảo hiểm tập trung mở rộng phạm vi cho các dịch vụ gia tăng giá trị

Có khả năng đạt được mục tiêu 11% dân số tham gia bảo hiểm

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường đạt khoảng 56.000 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, doanh thu từ hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đạt xấp xỉ 17.700 tỷ đồng, tăng 12%.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, dự tính cả năm 2020, tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường sẽ khó có thể đạt mức 20%, mà chỉ ở ngưỡng khoảng 17-18%, trong đó doanh thu khai thác mới tăng khoảng 11-12%.

“Đà tăng trưởng doanh thu phí năm nay giảm sút đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19 lây lan khiến các đại lý khó tiếp cận để tư vấn và bán bảo hiểm cho khách hàng tiềm năng”, ông Dũng cho hay.

Thực tế, đà tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm từ năm 2019, khi đạt xấp xỉ 24%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân từ 25-30%/năm giai đoạn 2014-2018, theo thống kê của Bộ Tài chính.

Ảnh tác giả

Với nỗ lực “vượt khó” của các doanh nghiệp và sự cải thiện trong nhận thức về bảo hiểm, mục tiêu 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ trong năm 2020 có thể hoàn thành.

Ông Ngô Trung Dũng Phó tổng thư ký IAV

Dẫu vậy, mức tăng trưởng 24% năm 2019 của bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với mức bình quân 6-7% của các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn không tăng tại những thị trường phát triển.

“Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam chưa ở mức bão hòa, nhưng việc tốc độ tăng trưởng giảm dần là điều hợp lý sau quãng thời gian dài liên tục giữ ở mức cao”, ông Dũng nói và chia sẻ thêm, mức tăng trưởng cao này có được ngoài yếu tố tiềm năng thị trường còn rộng mở, thì còn do sự nỗ lực và nền tảng vững chắc của các doanh nghiệp bảo hiểm, bên cạnh sự cải thiện rõ nét về nhận thức của người dân về bảo hiểm.

Theo đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, ngành bảo hiểm được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm giai đoạn 2016-2020 và 15%/năm giai đoạn 2021-2025. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân đến năm 2020 đạt tối đa 3% GDP và đến năm 2025 là 3,5% GDP.

Số liệu tổng hợp của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực đạt khoảng 10,8 triệu hợp đồng. Với nỗ lực “vượt khó” của các doanh nghiệp và sự cải thiện trong nhận thức về bảo hiểm, ông Dũng tin rằng, mục tiêu 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ trong năm 2020 có thể hoàn thành.

“Cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn còn rất lớn bởi sự tăng trưởng và phát triển của tầng lớp trung lưu trong xã hội đang ngày càng nhanh. Đây là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy ngành bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng: “Thỏi nam châm” hút nhà bảo hiểm

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển của tầng lớp trung lưu trong xã hội, ý thức về y tế tăng lên của người dân Việt Nam cũng khiến các công ty bảo hiểm đưa ra thị trường ngày một nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ cho phép khách hàng hoạch định các nhu cầu liên quan đến sức khỏe ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Theo nghiên cứu gần đây của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục dành một phần chi tiêu cho các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp. Trong quý II/2020, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu về việc chi tiêu cho các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp (38%), tiếp theo đó là Thụy Sĩ (35%), Indonesia (35%) và Trung Quốc (33%).

Ảnh tác giả

Với nền kinh tế phát triển nhanh, môi trường sống có nhiều thay đổi, nhu cầu chăm sóc về sức khỏe và y tế của người dân là rất lớn.

Bà Tina Nguyễn CEO Generali Việt Nam

Đứng trước nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của khách hàng, các công ty bảo hiểm đang mở rộng phạm vi cho các dịch vụ gia tăng giá trị, bên cạnh việc đẩy mạnh chào bán các sản phẩm cốt lõi với mục đích hoàn thiện sự trải nghiệm của khách hàng.

Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã có phạm vi bảo hiểm rộng hơn, chứ không đơn thuần chỉ là bảo vệ và chi trả cho các yêu cầu thanh toán trong trường hợp tử vong, bệnh tật nghiêm trọng hay tai nạn… Theo đó, nhu cầu bổ sung thêm bảo hiểm sức khỏe được nhìn nhận sẽ ngày càng tăng lên, trở thành "thỏi nam châm" thu hút các đơn vị cung cấp bảo hiểm sức khỏe đến với thị trường Việt Nam.

Ông Im Dong Jun, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc (CEO) Hanwha Life Việt Nam cho biết, thống kê ở một số thị trường - trong đó có cả Mỹ và Việt Nam - cho thấy, số lượng người tìm kiếm thông tin về bảo hiểm đã tăng mạnh trong và sau giai đoạn Covid-19. Điều đó chứng tỏ nhận thức của mọi người về bảo hiểm đã thay đổi và mối quan tâm về bảo hiểm nhân thọ ngày càng tăng. Theo vị này, dịch bệnh Covid-19 đưa đến cơ hội mới cho thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

Bà Tina Nguyễn, CEO Generali Việt Nam cũng nhìn nhận, với nền kinh tế phát triển nhanh, môi trường sống có nhiều thay đổi, nhu cầu chăm sóc về sức khỏe và y tế của người dân là rất lớn. Nhu cầu này sẽ không dừng lại ở mức độ "chấp nhận được", mà còn phải nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả. Theo đó, khách hàng sẽ mong muốn được giải đáp và cung cấp kiến thức về sức khỏe tức thì, có nhiều lựa chọn về cơ sở y tế, loại giường nằm hay phòng bệnh, được điều trị cả trong nước và nước ngoài...

“Để tạo sự khác biệt, Generali Việt Nam đã chọn hướng đi riêng: Chú trọng dịch vụ, ứng dụng công nghệ để cung cấp các gói bảo hiểm sức khỏe cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân. Công ty cũng không sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, mà tự xây dựng đội ngũ chuyên viên để có thể giải quyết yêu cầu bồi thường một cách nhanh chóng, hiệu quả”, bà Tina Nguyễn chia sẻ.

Tiếp nối thành công của sản phẩm Sống khoẻ hơn 100 ra mắt hồi đầu năm 2020, vào trung tuần tháng 7, AIA Việt Nam hợp tác với Medix giới thiệu ra thị trường dịch vụ Tư vấn và quản trị bệnh án cá nhân (song hành y tế) với mục đích đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chiến đấu với bệnh ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo. CEO AIA Việt Nam ông Wayne Besant chia sẻ, với dịch vụ này, AIA Việt Nam mong muốn vượt khỏi khái niệm “nhà chi trả” truyền thống để trở thành “người bạn đồng hành” trong cuộc đời khách hàng.

“Dịch vụ mới có thể giúp khách hàng hiểu rõ hơn về tình trạng y khoa của mình và tiếp cận được những lựa chọn phù hợp trong điều trị ung thư và bệnh hiểm nghèo”, ông Wayne Besant thông tin thêm.

Gia Linh

Tin cùng chuyên mục