Bảo hiểm ngoại vẫn loay hoay tìm thị phần

(ĐTCK)  Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2025 được Vietnam Report công bố vào giữa tháng 6 vừa qua lại không có tên nhà bảo hiểm nước ngoài nào.
Nguyên nhân dẫn đến thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài còn khiêm tốn là do khác biệt trong vận hành doanh nghiệp.

Thị phần vẫn nhỏ

Danh sách này được xếp hạng dựa trên 3 chỉ tiêu chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về doanh nghiệp trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 5/2025.

Tất nhiên, mỗi giải thưởng chỉ có tính tham khảo bởi quy định khác nhau trong xếp hạng, cũng như cách thức đăng ký tham gia. Tuy nhiên, đây cũng phản ánh một phần bức tranh lĩnh vực phi nhân thọ hiện nay.

Trong tổng số 32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường, có 11 công ty bảo hiểm nước ngoài (hoạt động theo mô hình liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài) là QBE, UIC, Bảo Việt - Tokio Marine, Bảo hiểm Liên hiệp, Samsung Vina, Liberty, AIG, Cathay, MSIG, Fubon, Chubb. Bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam giờ đã đổi thành Bảo hiểm TIC. Danh sách này không bao gồm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài.

Thời điểm hiện tại, tổng hợp số liệu từ cơ quan quản lý thì thấy, hầu hết công ty này đều còn hạn chế về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, chẳng hạn Fubon, UIC…, chưa kể sự khiêm tốn xét từ độ phủ về truyền thông. Có công ty ghi nhận doanh thu tạo ra không bằng một công ty con trực thuộc khối công ty bảo hiểm trong nước như Bảo Việt, PVI... Riêng PVI Digital trực thuộc PVI tạo ra doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong số những công ty bảo hiểm trên, khi truy cập vào website của đa số công ty thì gần như không có thông tin gì, nội dung thì còn cũ, thiếu cập nhật. Hình ảnh xuất hiện trên các kênh truyền thông của nhóm công ty bảo hiểm này gần như không có gì.

Hiện đa số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có số vốn điều lệ chưa cao, hầu hết chỉ đủ đảm bảo theo quy định, xoay quanh ngưỡng 400-500 tỷ đồng.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, dẫn đầu thị phần doanh thu phí toàn thị trường 4 tháng đầu năm 2025 vẫn là những tên tuổi trong nước quen thuộc. Top 5 doanh nghiệp nắm giữ gần 50% thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là: Bảo hiểm PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, MIC và BIC. Hơn 50% thị phần chia cho 27 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại, trong đó có 11 công ty bảo hiểm nước ngoài.

Một ví dụ cụ thể cho sự lép vế của khối công ty bảo hiểm nước ngoài chính là thương vụ Liberty Mutual bán lại mảng bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam cho Chubb, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2026.

Thời kỳ năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm xe của Liberty từng lọt vào nhóm có mức doanh thu cao của thị trường, chen chân vào top 10 (gần 2% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc) nhưng vẫn giữ một khoảng cách khá xa với doanh nghiệp dẫn đầu lúc đó là Bảo Việt với thị phần gần 24%. Liberty từng tham vọng trở thành một trong 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất và từng ấn tượng trong bồi thường bảo hiểm xe với thông điệp “Liberty ngại nhất là từ chối bồi thường bảo hiểm xe”, dẫn đến lỗ từ mảng này. Năm 2024, Liberty lỗ sau thuế 619 triệu đồng.

Một trường hợp khác là Samsung Vina, số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, 4 tháng đầu năm 2025, công ty này có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 309 tỷ đồng, giảm 11,43%). Một công ty bảo hiểm ngoại khác là Cathay, doanh thu phí bảo hiểm gốc 2 tháng đầu năm 2025 giảm so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 78 tỷ đồng, giảm 15,88%). Hay như MSIG, năm 2024 có doanh thu phí bảo hiểm gốc 1.379 tỷ đồng, giảm 8,36% so với năm 2023…

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, trong số 12 công ty bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, MSIG và Liberty là 2 công ty bảo hiểm nước ngoài đứng đầu về tỷ lệ bồi thường cao, lần lượt 55,87% và 51,61%.

Với các công ty bảo hiểm nước ngoài, nguyên nhân chính dẫn đến thị phần còn khiêm tốn là do khác biệt trong vận hành doanh nghiệp. Các công ty bảo hiểm nước ngoài thừa hưởng quy trình quản trị chặt chẽ quen thuộc từ tập đoàn mẹ, trong khi đa số công ty bảo hiểm nội còn hạn chế về nguồn lực, công nghệ… Sự chi phối của các công ty bảo hiểm nội địa với hệ sinh thái khách hàng sẵn có cũng khiến công ty bảo hiểm nước ngoài khó chen chân vào phân khúc bán lẻ.

Trong khi các công ty phi nhân thọ bảo hiểm trong nước đua nhau tăng vốn điều lệ, thì đa số công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều gần như “dậm chân tại chỗ” về vốn, nên hiện có số vốn điều lệ chưa cao, hầu hết chỉ đủ đảm bảo theo quy định, xoay quanh ngưỡng 400-500 tỷ đồng.

Đầu tư hiệu quả

Thực ra chuyện “lép vế” của khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cũng đã được lý giải một phần, nhiều công ty thành lập tại Việt Nam chỉ là để phục vụ các khách hàng của tập đoàn mẹ đang đầu tư tại Việt Nam, chứ không nhằm tới mục tiêu mở rộng thị phần mới.

Còn trong trường hợp tìm một thị trường kinh doanh mới, những bước đi đang được thực hiện theo cách khác, chẳng hạn trường hợp của Bảo hiểm DB (Hàn Quốc). Công ty này mua cổ phần chi phối tại Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), đồng thời chiếm hơn 35% cổ phần tại PTI. Sau những thương vụ này, DB đã đầu tư lớn với mục tiêu công khai là “nằm trong chiến lược mở rộng thị trường của DB tại Việt Nam”.

Còn quay lại với nhóm bảo hiểm ngoại (liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài), mô hình nhỏ gọn phục vụ khách hàng có sẵn đang kinh doanh tại Việt Nam có lẽ là mô hình phù hợp, bởi hiệu quả kinh doanh khá cao.

Trong số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, Samsung Vina lâu nay vẫn được coi là hình mẫu về hiệu quả kinh doanh. Năm 2024, công ty này lãi sau thuế 132 tỷ đồng, trong khi doanh thu phí bảo hiểm là hơn 1.254 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 500 tỷ đồng.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục